Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

thơ viết ở Đại Lải tháng 7 năm 2006

SẼ CÓ MỘT NGÀY
Hồ Tĩnh Tâm


Nhất định có ngày em sẽ nhớ anh
Người đàn ông yêu em hơn chồng em gấp bội
Người đàn ông khiến em thành tội lỗi
Của ngàn đời trần thế yêu đương!

Nhất định có ngày em sẽ tơ vương
Về tất cả những gì anh nói
Về câu chữ cháy bùng anh réo gọi
Hỡi người đàn bà làm vấp ngã tim anh!..

Nhất định có ngày anh hét giữa thiên thanh
Rằng em sinh ra để cột đời anh lại
Rằng ngàn năm vẫn ngực trần con gái
Rót vào anh …
rót mãi…
nỗi đau này.

Nhất định có ngày, nhất định em say
Những con chữ vô hồn anh xếp thành khát vọng
Đã là biển thì đêm ngày phải sóng
Đã là nhau nhàu nát có là gì?

Mai xa rồi, em hãy nói đi
Dù sẽ chẳng là chi đi chăng nữa
Thì trái đất vẫn là nơi thắp lửa
Đốt lòng nhau bỏng cháy quá đi thôi!

Nhất định có ngày em sẽ thuộc về tôi
Khi nấm mộ rưới đầm đìa nước mắt
Em nhìn lên thấy trời đau thắt
Giữa trần gian cô độc trái tim này.

Đại Lải, 13.7.06




TÔI VÀ CUỘC TRUY HOAN CỦA MUỖI
Hồ Tĩnh Tâm


Hai mươi năm tôi ngủ không mùng
Những con muỗi nhà tôi quen tôi từng giọt máu
Những con muỗi nhà tôi không cần nơi ẩn náu
Thịt da tôi là giường chiếu chúng truy hoan;
Hai mươi năm tôi bất chấp lo toan
Máu tôi đỏ như hoàng hôn chín đỏ
Những con muỗi nhà tôi hiểu hơn tôi điều đó
Vậy mà em…
em hỡi…
vậy mà em!..

Hai mươi năm tôi thác loạn thành dòng
Những thác loạn trên cánh đồng của giấy
Tôi biến hoá những điều không thể thấy
Của thiên đường, của địa ngục, của mung lung
Của thẳm sâu cảm thức tột cùng
Đến chín rụng những gì yêu và ghét
Đời trần tục nhóm lửa lên đốt hết
Thơ làm gì khi trống vắng tình em
Tôi thả buông tôi như thả buông đèn;
Tha hồ đốt hỡi những bầy muỗi đói
Tôi đã tung hê hết điều réo gọi
Máu vẫn còn tôi có tiếc gì đâu!

Hai mươi năm tôi tận hiến tận sinh
Tôi sống bản năng đến từng hơi thở
Tôi chỉ cần một điều em phải nhớ
Máu tôi không cạn bao giờ!

Đại Lải, 13.07.06



CHIẾC XE NGỰA CHIỀU HÔM
Hồ TĩnhTâm

Như từ huyền sử xa xưa
Vẳng trong tiếng gió chạnh đưa xuống đời
Chiếc xe ngựa của tôi ơi
Gập ghềnh dốc núi chở lời hoàng hôn
Sợi buồn vấn vít chiều thôn
Ai ru câu lý trắng hồn cỏ lau
Nhân tình qua bấy cơn đau
Vó câu khấp khểnh gõ nhàu thời gian
Thẳm sâu cõi thế cung đàn
Giọng người gọi nát nỗi hàn huyên xa
Lênh đênh trong cõi ta bà
Ta trần gian đến nỗi tà cơn mê
Đổ theo triền dốc lối về
Chiếc xe ngựa chở nặng nề truân chuyên
Ví dầu cỏ biết xe duyên
ú liu chim quạ cũng chuyền cành khô
Bánh xe xiết rảnh mơ hồ
Song song thẳng xuống nẻo Hồ Tịnh Tâm

Đại Lải, 11.7.06




CÓ NHIỀU ĐÊM NHƯ THẾ
Hồ Tĩnh Tâm




Tôi đã thức rất nhiều đêm như thế
Để lắng nghe lời gió kể về em
Tôi đã thức rất nhiều đêm như thể
Tự thắp lên một đốm lửa đèn.

Em đâu biết mòn từng đêm cổ tích
Tôi lạc tôi sâu trong cõi vô cùng
Hồn vấp gió trượt chân vào u tịch
Nhú cơn đau thắt ngực lạnh lùng.

Một chấm nhỏ làm nên duyên con gái
Sợi tóc mềm cột chặt lối tương tư
Ngón tay uốn cong nẻo chiều mềm mại
Mà vòng tay buông trắng cả thực hư.

Huyền thoại đến bất ngờ như gió thổi
Cả vòm trời con gái cháy thành thơ
Hoài vọng cũ sẽ không còn giữ nổi
Sương khói giật mình ngu ngơ.

Đại Lải, 12.7.06




DỐC ĐỜI
Hồ Tĩnh Tâm
Tặng Hoàng Kim Bảo (H. Thủy Hương)

Cơn gió nhẹ lay một bông cỏ dại
Thắp trong tôi xa ngái những ngày mưa
Đầm đẫm ướt những gì trôi đi mãi
Nỗi truân chuyên nặng gánh mấy cho vừa

Tôi gom hết tuổi tên mình lăn lóc
Dốc đời ơi bạc tóc vẫn chưa thôi
Không ra khỏi chiếc bóng mình nặng nhọc
Đành lê chân theo cánh võng đưa nôi

Lời kinh kệ ru bốn mùa của lá
Bạc phai màu trắng toát cả thời gian
Hoài niệm cũ ghim tôi vào vách đá
Rịn mồ hôi nhỏ xuống cơ hàn

Chợt dốc nắng hửng lên màu cổ sử
Trương Chi ơi đau thắt đến bao giờ
Người với người hư vô từng con chữ
Chẳng kết dòng lại ngoảnh mặt làm ngơ

Dốc trần thế Nam Mô Bồ Tát
Nhiệm màu đâu hương khói là đà
Tuột hết cả Ngân Hà từng vạt
Lạnh hồn ta niệm niệm Di Đà

Ta nhặt nhạnh hết những ngày đã sống
Quăng vào trong bão táp cô đơn
Nghe tim đập tan tành cơn giếng mộng
Trần gian ơi lạnh lẻo mấy cung đờn

Đại Lải, 5.7.06



DỊU DÀNG RỨA HUẾ
Hồ Tĩnh Tâm
Tặng Kim Giang

Dịu dàng chi rứa Huế ơi
Nước hồ Đại Lải cháy lời gọi nhau
Tóc xanh đời vốn bạc đầu
Quả cau đất Vĩnh lá trầu Phú Vang
Dịu dàng chi rứa dịu dàng
Mắt nhung rất Huế bàng hoàng chiều rơi
Giật mình ta gọi ta ơi
Hương Giang bãng lãng rối bời bời nhau
Đường về bạc trắng ngàn lau
Lý con chim quạ kêu đau cả lòng
Thà rằng đừng gặp cho xong
Gặp rồi khổ lắm nỗi đèo bòng người ơi
Cao xanh thăm thẳm là trời
Không soi hết được nửa đời tương tư
Cuộc tình thực thực hư hư
Đêm nay Vĩnh Phúc dường như chạnh lòng

Đại Lải, 5.7.06
H.T.T.


Bữa mô anh về Nguyệt Biều- Hương Thủy được hỷ? HTT



GỞI MỘT NGƯỜI Ở XUÂN HÒA
Hồ Tĩnh Tâm



Dù chỉ có với nhau rất ít
Nhưng Xuân Hoà đã gắn những chiều thương
Hương của tóc
Của bờ vai
Của gió
Sắc của môi
Của má
Lịm Hoàng hôn.

Xuân Hoà ơi
Gió từ núi Thằn Lằn thổi xuống
Chín hồn nhau
Ướt đẫm tiếng tơ lòng
Hoài vọng gió
Thắp lửa chiều cháy đỏ
Đá cũng tan thành nhớ
Nữa là ta.

Từng con chữ
Sắp hàng thành duyên nợ
Cột đời nhau
Biết đến bao giờ?..

Dù chưa có
Người ơi
Dù chưa có
Một bàn tay nắm một bàn tay
Nhưng Vĩnh Phúc
Sẽ thắp ngày hạnh phúc
Nếu xa nhau
Còn vướng sợi tơ trời!..

Đại Lải, 11/7/06




TẤC LÒNG VỚI NGƯỜI ĐI
Hồ Tĩnh Tâm
Tặng Nguyễn Thị Lũy


Không thể đưa em về Yên Bái
Anh đưa anh về lại lòng anh
Thấy đời mong manh
Thấy tình hư ảo
Thấy những chiều bến sông giặt áo
Tóc ai dài nhưng không phải là em.

Anh đốt hết những đêm suông không ngủ
Không ngủ thương, không cạy cửa, không buồn
Không cả không, không cả cánh chuồn
Bay thấp, bay cao, báo mưa, báo nắng
Báo cột tay nhau trong chiều lằng lặng
Lẽ nào ta ăn cắp tình nhau?

Anh sẽ có ngày theo em về Yên Bái
Lời chồng con em gác lại thung sâu
Chạnh lòng ở đâu
Chạnh lòng ở gió
Chạnh lòng lửa đỏ
Thắp sáng đêm rừng.

Đêm dài con nước rưng rưng
Chảy mòn Yên Bái đã dừng được đâu.

Đại Lải, 8.7.06



THƠ CHO HAI NGƯỜI BẠN MỚI
Hồ Tĩnh Tâm

Một.
Tôi đã có một buổi chiều Đại Lải
Mắt em xanh chớp tím cả đồi thông
Chưa xa cách đã nghe lòng xa ngái
Trà Cổ ơi… biển sóng cuộn trong lòng.

Hai.
Dịu dàng đến tận cùng dòng Hương thơm cỏ núi
Em Phú Vang tóc xõa ánh dương chiều
Âm trầm quá, ngọt ngào xui bổi hổi
Thèm bàn tay nắm chặt lấy thương yêu.

Đại Lải, 2.7.06



XIN HÃY NÓI NÊN LỜI
Hồ Tĩnh Tâm
(tặng Ngọc Thúy)



Núi Bài thơ ơi núi Bài Thơ
Tôi với em đã hiểu nhau trên từng trang viết
Trời từ đây sẽ rung ngân da diết
Những riêng chung cột chặt lấy từng trang
Trải đời ra đầm đẫm dưới trăng vàng
Ta cháy hết ngỡ ngàng đêm huyền thoại
Tuổi đã qua biết bao mùa con gái
Vẫn trong veo dòng chảy của yêu thương
Tình là chi mà rất đổi vô thường
Bay thẳng xuống nghìn trùng thương với nhớ
Cho dậy sóng lời người ơi người ở
Sóng Hạ Long và sóng Cửu Long Giang
Sóng lòng ta dội tiếng đá vàng
Rung ngân mãi những cung đàn thổn thức
Khi ta đứng giữa chênh vênh bờ vực
Để kiếm tìm hai nửa cuộc đời nhau
Dù mòn đêm thao thức một niềm đau
Em cũng biết như là anh đã biết
Bến bờ xa cuồn cuộn dòng nước xiết
Chiếc thuyền tình mỏng mảnh qúa đi thôi
Có trao nhau xin hãy nói nên lời.

Đại Lải, 5.7.06
H.T.T.

Dẫu mòn thế kỷ vẫn chờ em!!! - HT

sáng chủ nhật ở Đại Lải

SÁNG CHỦ NHẬT Ở ĐẠI LẢI
Tạp văn của Hồ Tĩnh Tâm

5g00 sáng.
Tôi đang ngồi viết say sưa trong phòng D4 thì điện đèn tắt phụt. Người đàn bà mà tôi bịa ra là người tình, vậy là đứt hứng. Buồn tình, tôi thả bộ tà tà xuống hồ Đại Lải. Có tiếng sủa ông ổng. Rồi con Vàng ở đâu hiện ra. Nó là con chó tôi đã kịp quen vào chiều 30 tháng 6, khi tôi ném cho nó mẫu bánh mì kẹp thịt. Vậy đấy, chỉ tốn không đầy nghìn bạc, mà chó với người thân nhau.
Vàng rối rít vẫy đuôi, chạy đến hít hít hạ bộ của tôi, rồi ngoạm lấy ống quần tôi, kéo về hướng dãy nhà lá của khu du lịch, nơi neo đậu hai cái du thuyền, mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy trên ti vi. Lạ thật! Trên màn hình nó đẹp là thế, còn bây giờ đứng buồn thiu đón khách… thấy thảm. Nhưng thôi, cứ theo con vàng cái đã. Chả gì tôi với nó cũng là chỗ thân tình. Xa nhà, có người quen là mừng, đằng này lại quen được với con vàng, giống chó nòi Vĩnh Phúc thứ thiệt.
Trời ạ! Vàng khoe với tôi một ổ chó con, nằm trong góc khuất cái nhà lá bỏ không. Sáu con cả thảy. Con nào cũng màu vàng, cũng còn nhắm tít hai con mắt. Tất cả đều đang rúc đầu vào vú mẹ. Mẹ chúng lông đen, tai dựng, chỉ nhìn tôi một cái, rồi đập đập chùm lông đuôi xuống đất, áng chừng như muốn nói: Khách của Vàng hả? Cứ tự nhiên! Đằng này đang cho con bú.
Vàng ngẩng đầu nhìn tôi, hai chân trước cào cào xuống nền gạch. Tuồng như gả tự hào lắm. Tôi mất mười lăm năm mới được hai vịt giời. Còn Vàng, chỉ một lần đã lủ khủ sáu đứa con xinh đẹp. Tính theo giá cho con nòi Phú Quốc, mỗi con năm trăm ngàn, nếu nòi Vĩnh Phúc bớt đi còn ba trăm, vị chi vợ chồng Vàng đã có trong tay triệu tám. Nó khoe cũng phải. Mà nói thật, cũng chẳng biết Vàng khoe, hay Vàng mách tôi: xứ của Vàng, người ta chuộng món “hạ cờ Tây”, tới mức, giống nòi Vĩnh Phúc khôn là thế, trung thành là thế, mà hở anh chị khuyển nào lớn lên, cũng đem bán tất tật cho cánh… Thôi, vô duyên! Nghĩ bậy Vàng cười cho.
Đang ngắm nghía bầy kim khuyển thì cái samsung trong túi rung lên giần giật. Người “tình” thật sự của tôi gọi tới từ Hà Nội. “Ông tiến sĩ của anh đã về Thăng Long, làm quái gì đấy, ở tờ báo quái gì đấy. Số di động là 017.506102. Lão đang tá túc nhà em gái”.
À, cái gả Thiên Lôi đánh không chết. “người về cỏ mọc lối cà sa, nắng vẫn gầy khô dưới bí bầu”. Hắn viết câu thơ ấy trong bài thơ nào tôi không nhớ, chỉ nhớ hắn thích ăn cá rô ron, ăn cà bát chấm mắm tôm, ăn bầu dục chần nước sôi; rượu nốc như hủ chìm.
Có ai như hắn.
Hừng đông đi ăn phở, gọi cốc rượu đổ ngay vào tô phở. Gọi cốc nữa, ực một phát, rồi gọi thêm cho tôi và hắn mỗi người một cốc. Hắn nói là nạp điện. Hắn nạp điện buổi sáng năm cốc mới đủ khí. Bắn thêm điếu thuốc lào. Nuốt khói vào bụng. Ngửa mặt, dim mắt chừng nửa phút, mới thở hắt khói ra, nói: “Hôm nay đếch viết. Toàn chuyện nhạt phèo, phí chữ làm quái gì!”.
Tôi nghiệm ra rằng, mỗi khi hắn đã nói thế, thì ngày hôm đó không rượu cũng bia, dứt khoát không phải ngày chữ nghĩa. Như cái hôm nạp điện ấy, hắn kéo tôi ra chợ Láng Trung, mua một lúc hai cân ốc nhồi, một con cá chép hơn cân. Tất cả đều rinh về phòng Như Bình, hành người đẹp dùng nồi cơm điện luộc ốc, nấu lẩu cá cà chua. Chưa xong. Hắn còn rinh về dĩa chó luộc. Ngồi xệp xuống nền gạch, bắt đầu nốc tì tì từ trưa tới tối. Chữ nghĩa tất nhiên là không thể thòi ra được, chỉ thòi ra toàn chuyện tào lao.
Đầu tiên là chuyện bạn hắn vừa xong cái kịch bản phim truyện. “Mẹ nó! Thế mà cũng kịch bản. Mua gian bán lận. Tham ô tham nhũng. Tình địch tay ba tay tư. Giỏi sao không viết về cơ chế rậm rịt những khúc mắc, nhũng nhiễu. Tớ thì sổ toẹt vào thứ kịch bản vô hồn. Chữ nghĩa thánh hiền, không phải bạ đâu cũng phung phí bừa bãi. Mà sao thiên hạ ngày nay, ở đâu người ta cũng khoái khoe sang khoe giàu. Phim ảnh bởi vậy, rặt tương ra xe hơi, nhà lâu, chân dài, váy ngắn. Người mẫu thì đóng phim cái gì! Đi đứng, ăn nói còn không xong. Cứ vận bikini vào cho người ta chụp hình mà sống!”.
Hắn bắt đầu hằn học.
“Ly rượu ngày xưa rượu tình rượu nghĩa, ly rượu ngày nay đù má nó pha cồn”. Chẳng biết hắn học được cổ nhạc từ đâu, chỉ biết giọng ca nhừa nhựa của hắn, giả giọng Nam Bộ mắc cười. Vậy là đêm nay, hai giờ sáng, thế nào hắn cũng thức. Hắn thức với cuốn triết học cổ của Nigch, mà hắn vớ được ở chợ sách vỉa hè, trên bờ sông Tô Lịch. Sách chợ trời nhưng không hề rẻ chút nào. Gả trung niên để ria mép khôn thành thần. Cuốn sách cũ sì cũ sịch, gả hét tám mươi nghìn, tán tỉnh gãy lưỡi mới bợ được với giá năm chục. Hà Nội thiếu gì trường đại học, thiếu gì người đọc sách, nghiện sách. Hắn không mua thì cũng sẽ có người đến ẵm đi ngay. Nigch cơ mà! “Đến với đàn bà phải cầm ngọn roi”. Phần bàn về thơ, Nigch đã nói như thế. Có gì đâu mà hắn khen nức nở. Ca dao ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Dạy con dạy vợ đây là dạy bằng roi chứ còn gì. Nigch hơn thế nào được ông bà ta từ đời tằng tổ. Nhưng Nigch là người Đức, còn ông bà ta là người Việt. Hắn gân cổ cho rằng, triết lý phương Tây mà gần với phương Đông, thế mới tài. “Tài! Tài thật! Tiên sư ông Nigch!”.
Con bé hơn tuổi đang ngồi chơi con búp bê biết khóc, nghe hắn hét váng lên, “Tài! Tài thật!”, liền bò đến, cầm con búp bê nện lên đầu hắn nghe cái cốp. Hắn đưa tay xoa đầu, nơi nổi cục u to như hột mít, cười sằng sặc. “Nhím con xù lông, mày giống mẹ mày như đúc”. Như Bình đang ngồi viết trên giường, cúi xuống, nạt: “Nhím, hư nào!”. Liền đó lại cốp một tiếng. Anh bạn ngưỡng mộ Nigch của tôi lĩnh thêm một cú nện ra trò. “Ái chà! Cái con Nhím đáo để này, mày ghét tao hay ghét Nigch, hả?”. Con bé phá ra cười khoái chí. Chả gì nó cũng đã tương được lên đầu ông nhà thơ “cỏ mọc lối cà sa” hai đòn chí mạng.
Nhét cái samsung vào túi, vừa lên tới lưng chừng dốc, lại thấy nó rung lên giần giật. “Ông ra hồi nào? Sao không gọi? Xuống Hà Nội đi! Vừa kiếm được mấy con cà cuống. Ông xuống, tôi bảo con Bích mua bánh cuốn Thanh Trì, làm tiết canh ngan. Đừng có mà lười! Xuống ngay đi!”. Chưa kịp trả lời, gả si tình triết học Nigch, đã cúp máy cái cụp. “Tài! Tài thật! Tiên sư ông!”.
Tôi tìm lên phòng số 10 nhà lớn, hỏi xin anh Bắc Sơn ít giấy với hai cây bút bi, anh đang ngồi viết tiếp cuốn hai, tiểu thuyết “Cha con và luật đời”. Chỉ đống giấy và đống bút trên bàn, anh nói: “Lấy bao nhiêu thì lấy. Tha hồ cho ông viết cả mười lăm ngày thỏa sức”. Làm sao tôi có thể viết hết chừng ấy ngày. Tôi không xuống Hà Nội, gả si tình triết học, lại chẳng nện cho tôi một trận, theo kiểu con Nhím đã nện gả hay sao. Thơ của một ông thuộc bậc thầy về thơ, mà hắn còn dám chê là vè. Hắn nện thẳng một bài trên báo đàng hoàng. Hắn cũng đã nện tôi một đòn về truyện “Hun hút suối Giàng””, mà tôi viết cả tháng mới xong. “Ông đếch hiểu gì về Tây Bắc! Bỏ mười ngày theo tớ lên Hà Giang, tớ cho ông biết thế nào là suối Giàng. Không biết thì đừng có mà bịa. Bút sa gà chết. Tớ đã can mà ông còn liều mạng đăng càn trên báo!”. Thế. Thế làm sao tôi viết hết mười lăm ngày.
Ngẫm sự éo le sụp bẫy của mình, tôi phàn nàn với Bắc Sơn: “Nhà sáng tác Đại Lải ngon thiệt! Nhưng mà nản quá! Chẳng vi tính, chẳng dịch vụ. Muốn mua thứ gì cũng mười nghìn xe ôm đi, mười nghìn xe ôm về, cách năm cây số, tận dưới Xuân Hòa”. Bắc Sơn cười. “Thì ra sân tenif tám trăm triệu mà thư giãn, có điều phải mua cây vợt, mua banh lông, chứ ở đây họ chỉ có độc một cây vợt của tư. Còn cần gì cứ nhờ nhà bếp. Sáng nào chả có người đi chợ”. Lại nữa. Cái ông tối ngày chúi mũi viết văn này, ông có biết gì ngoài chữ nghĩa. Cái thú đi mua đồ là cái thú được đi chợ. Được ghé chỗ này chỗ nọ, được nghía qua nghía lại rửa con mắt. Gởi người ta thì còn nói làm gì. May mà ông tóc bạc vỗ vai tôi: “Xe anh đấy. Lấy mà đi. Lấy lúc nào cũng được”.
Tôi điện cho thằng bạn ở Vĩnh Phúc, rũ nó xuống Hà Nội. Anh ta từ chối thẳng thừng. “Chiều tôi đem rượu lên ông. Hà Nội thì hơn gì Đại Lải. Ở đây có núi này, có rừng này, có cả sự yên tĩnh này. Về Hà Nội hít khói xe à? Quên đi!”. Lại thế nữa. Anh bạn Việt Hùng của tôi cũng là chàng lãng tử, từng một người một “ngựa”, chu du một vòng Tây Bắc hơn hai nghìn cây số. Tôi quen anh ở Trại sáng tác Kiên Lương. Bấy giờ anh ta cũng phóng xe săn ảnh ào ào cả ngày. Đêm nào cũng về Trại lúc tám, chín giờ tối. Chẳng cần cơm nước gì, chỉ cần có chai rượu và dĩa mồi. Tất nhiên anh ta phải đập cửa phòng tôi, lôi tôi ra khỏi bàn viết. “Uống đi, tôi kể chuyện hôm nay cho mà nghe. Đáng lý ra ông phải mua bản quyền của tôi, đằng này tôi đãi ông, ông lãi quá còn gì”. Anh ta kéo tôi ngồi xuống bàn. “Chó Kiên Lương hiền bỏ mẹ! Hiền hơn cả bà Tiên, ông Bụt. Thấy người không thèm sủa, chỉ hí mắt nhìn một cái, rồi nằm im như phỗng. Phải chó quê tôi, lớ ngớ nó táp cho một miếng, coi chừng mất cả tháng trật mông để người ta tiêm thuốc”. Có lẽ anh ta nói phải. Nhớ năm nào cùng Pờ Sảo Mìn đi Phú Thọ, thăm nhà thơ Ngô Kim Đỉnh. Dưới chân cầu thang lên lầu kiểu tấm xếp, có xích con chó đen thùi lùi, to như con bê. Thấy người, dù chủ nhà đã nạt nằm im, nó vẫn chồm tới, sủa ầm ầm như sủa trộm. Nhà thơ Song Hảo đi giày da mõm dài, vậy mà qua lỗ hở tấm xếp, con chó vẫn táp lủng mũi giày. Thì ra chó cũng như người, cũng có hiền có dữ. Như con Vàng bên hồ Đại Lải. Chắc chiều phải xuống thăm bầy con của nó. Biết đâu đợt này mình lại thành công nhờ chó.
Nhớ chiều qua, sau bữa cơm, tôi với anh Hoàng Dân ngồi nán lại xem ti vi, lúc ra về, gặp con vện bô nằm nơi bậc thềm lên xuống. Thoắt một cái, nó vùng ngay dậy, nhe nanh gầm gừ. Chị bếp trưởng phải nạt, nó mới nhường lối cho mà đi. “Chó Nhà sáng tác chúng em ranh lắm. Ban đêm, ai ăn mặc đàng hoàng tươm tất thì không sao; ai ăn mặc lùi xùi, nhớn nha nhớn nhác thì coi chừng”. A, lại còn thế nữa. Chó cũng biết phân chia giai cấp, phân biệt hạng người. Nhưng… chẳng lẽ cứ ăn mặc tươm tất thì đàng hoàng, còn ăn mặc lùi xùi thì đầu trộm đuôi cướp. Tối nay muốn lên nhà lớn xem wolr cup, chắc phải đóng bộ complé, thắt cà vạt cho chững chạc. Chứ cứ lùi xùi như mình, đêm qua con vện không táp cho một miếng, cũng là phúc tổ ba đời, cho cái thằng đi dự Trại mà không chịu sửa sang râu tóc.
Ấy đấy. Tôi đã từng nuôi chó bao nhiêu lần, bao nhiêu lần. Chó Tây có, chó Ta có. Fox nhỏ như cổ chân có, đốm lai Porte Ăng Lê có, lông xù bông Nhật Bản có, lông xù bông Bắc Kinh có… Mỗi con mỗi tính, con nào cũng khảnh như công chúa xứ Ba Tư. Nuôi thì nuôi, chứ tôi chẳng hiểu nuôi chúng để làm gì, ngoại trừ cứ phải suốt ngày lo cho chúng. Từ miếng ăn, giấc ngủ, đến tắm rửa và dẫn chúng đi ị vào mỗi sáng. Vợ tôi phán: “Cho biết nhé!”. Cũng phải thôi. Có với nhau hai mặt con, mà tất tật việc chăm nuôi săn sóc con cái, chỉ một tay vợ tôi quán xuyến. Với lũ chó thì đừng hòng. Vợ tôi ghét chó như ghét giặc. Nhất là cái tật lũ chó con hay tè trong nhà. “Khai quá đi thôi!”. Vợ tôi nhấm nhẳn. Tôi hiểu ngay ra phận sự của mình. Dầu gì tôi cũng đã tậu chúng về nhà với giá bạc triệu trở lên. Tôi không lo cho chúng thì còn ai vào đây. Ơn trời! Cuối cùng thì tất cả lũ chó ngoại tốn kém và khảnh tính ấy, đều bị lũ trộm chó cuỗm đi bằng trăm mưu ngàn kế. Xót ruột mà sướng.
Bây giờ ở nhà tôi chỉ còn mỗi con Mino đen tuyền, xin được từ anh chị Tư quán nhậu. Con này to lớn bề xề, lông dày, tai to và dài rũ xuống. Nó là con lai giữa giống mặt cọp Hoa Kỳ, với chó ta truyền đời của dân tộc. Lúc nó còn nhỏ, chuyện hốt phân, lau nước tiểu, tất nhiên là chuyện thường ngày ở huyện của tôi. Vợ tôi chừng nào mới chịu nhúng tay vào ba vụ đó. “Cho biết nhé!”. Điệp khúc ấy ngân lên mỗi ngày, tôi bấm bụng hứng chịu. Nhưng nào chỉ có thế. Giày dép trong nhà nó tha biến đi đằng nào. Còn giày dép thiên hạ thì nó ngoạm về nhà. Không ngày nào tôi không bị mắng vốn. Khổ nhất là hôm thủ trưởng hạ cố tới thăm, lúc ra về, ông tái xanh cả mặt, bởi đôi giày Italia giá bạc triệu, bị con Mino gặm nát gót một chiếc. Cơ sự này thì tôi còn đường binh nào nữa, để xin nghỉ dài ngày đi dự Trại sáng tác hàng năm.
Nhớ tới con Mino tai họa, sợ vợ bỏ bê nó tội nghiệp, tôi nhấn số samsung gọi về nhà. “Em hả? Nhớ cho cá ăn mỗi ngày ba lần. Ba ngày thay nước một lần”. Vợ tôi biết tỏng tâm địa của tôi là lo cho con chó, nhưng bả lại nhắc khéo: “Thay đồ nhớ kiểm tra túi áo, túi quần, đừng có mà ngâm nước cái bóp đấy nhé! Anh vắng nhà, con Mino bỏ đi rong theo đực mấy ngày nay. Xích cổ thì nó rên không ngủ được. Cái giống gì động đực mà ngu thế. Không khéo lại ăn bả chuột, ăn vòng dây thòng lọng”. Biết ngay là bả muốn cảnh tỉnh tôi chuyện bia bọt nhà hàng, chuyện bạn bè làm báo hú hí với nhau. Đã có lần bả vớ được cái nokia tôi bỏ quên ở nhà, phát hiện ra một loạt tin nhắn của cánh không mọc râu. Tôi tởn gần một tháng. Hễ cứ đọc xong tin nhắn là phải xóa cấp kỳ. Cũng như thư điện tử. Bả không rành vi tính, nhưng đứa con gái lớp năm của tôi, dẫu tôi có khóa máy cỡ nào, nó cũng mày mò giải mã ra tuốt tuột. Nó biết tôi xài ADSL thuê bao trọn gói, nên nó có sá gì chuyện ngồi trước máy cả ngày. Nó là con mắt, lỗ tai điện tử của mẹ nó. Nó vòi gì mẹ nó cũng chịu. Truyện của tôi nó chẳng thèm liếc đến, còn Hary Porte, nó đọc không sót cuốn nào. Thời điện tử, người lớn trẻ con gì, nhất nhất đều sống, lao động, học tập, suy nghĩ và tôn vinh mọi điều theo quảng cáo. Giá tôi có tiền quảng cáo… Khổ thế!
Yên trí bà vợ không bỏ bê con Mino, tôi ngồi xuống bàn viết. Nghĩ mãi không ra cái gì có thể viết, tôi cầm tờ báo, đọc lại “A và E” của Hoàng Thủy Hương. “A là âm của loài người, là âm bản năng ban đầu, là ngôn ngữ sinh học đặc chủng mang tính giống loài, khác hẳn con ngựa hý, con voi rống, con sư tử gầm”. Đúng quá đi chứ! Tại sao lại mở đầu đầu cách dạy chữ cho trẻ con bằng E, BE. Chẳng những trẻ đánh vần nghe như dê kêu, mà bà con Tày, Nùng còn xấu hỗ bịt lỗ tai, khi thấy cái “chuyện ấy” của giống người cứ bị phơi lên trên bảng, rồi thi nhau đọc gào lên.
Bí tới tận cùng bấn bí, tôi móc con di động đời thứ năm của mình khỏi túi, gọi ngay cho gả si tình triết học Nigch.
- Mày hả? Mai tao xuống. Sáng cắt cổ ngan là vừa. Kỳ này tao không viết suối Giàng đâu, tao viết về sự biến mất của sông Hát Môn trong lòng Hà Nội.

Đại Lải, ngày 2 tháng 7 năm 06
HT.T.

một khoảng không cuộc đời

Truyện ngắn :

MỘT KHOẢNG KHÔNG CUỘC ĐỜI
Hồ Tĩnh Tâm
(tặng thầy Hoàng Dân CĐSP Hà Nội và bè bạn)

1.
Đêm mưa gió ấy, hình như Hồ Đại Lải không ngủ thì phải. Tiếng sóng cứ cồn cào- cồn cào. Tiếng rừng cứ nấc lên- nấc lên. Day dứt và thao thiết. Sấm rền rỉ ở bên kia đồi. Mưa rỉ rắc. Những cây thông lá nhọn sũng ướt, mềm lả ra. Mặt đất cũng mềm. Mềm như thịt da người đàn bà sau cơn hoan lạc, được vùi trong chăn ấm.
Thầy Tuấn nói:
- Tớ 59 tuổi. Chinh chiến ở Trường Sơn và Nam Lào mấy năm. Trong người ba vết sẹo, dạ dày cắt bỏ một nửa. Nhìn còn được không?
Tôi nhớ bài “Thị trường” trong tập thơ “Khoảng không” của thầy. Điệp khúc “những cô bé khỏa thân” cứ chờn vờn trước mắt. Tất cả là bốn lần. Bốn lần khỏa thân nhảy múa. “Ngây dại”. “Vật vờ”. “Hoang sơ”. “Quay quắt”. Bốn lần khỏa thân như loài vật. “Uốn éo”. “Oằn mình”. “Quay cuồng”. “Tơi tả”. Tôi không hiểu được nền “văn minh” mại dâm của Thái. Tôi chỉ biết, trời vẫn mưa, vẫn gió. Đêm đen đặc. Cắt cứa đến tận cùng thổn thức.
- Tớ vẫn đọc thơ mình ngay trong giờ dạy. Tại sao không? Tớ làm thơ đã mấy chục năm. Tớ vác cả chiến trường vào thơ, vác cả đời tớ vào thơ. Thơ tớ thật lắm, tại sao không đọc! “Thời gian không màu, nỗi nhớ cũng không màu; nhưng chiếc lá thì cứ xanh rời rợi”. Chẳng biết thơ tớ cỡ nào, nhưng sinh viên của tớ thì thích lắm!
Đêm vẫn mưa. Vẫn mưa. Rừng cây càng ướt sũng ra. Mặt đất càng mềm nhão ra. Sóng hồ Đại Lải càng cồn cào thao thiết.
- Cô bé ấy cứ nhất thiết vòi tớ đi cà phê. Cà phê ở một quán cà phê mà chính tớ cũng không ngờ. Nó hoang sơ đến cháy bùng cảm xúc. “Ai biết chăng thật giả buồn vui, chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại”. Đúng vào lúc cô bé ấy nghiêng sang ôm choàng lấy tớ, chợt cất lên tiếng nói nhẹ như hơi sương: “Anh chị dùng gì ạ?”. Trước mặt tớ là một cô bé, non nõn những phần da thịt lộ ra trong ánh sáng mơ mờ, huyễn hoặc và hư ảo. “Ôi! Em chào thầy! Thầy dùng gì ạ?”. Mặt đất dưới chân tớ như tụt xuống- tụt xuống. Vòng tay của cô bé như nhão ra nỗi bẻ bàng. Cả hai đều là sinh viên của tớ, cùng đang học một lớp với nhau. Năm ấy tớ đã 54. Từng trải và đầy kinh nghiệm sống.

2.
Mùa đông bên bờ sông Công thon thót gọi mời một vòng tay xiết. Tôi với cô bé của tôi ngồi trong góc khuất trần thế. Cả hai lạc giữa thời gian vô cùng vô tận. Màn đêm phủ xuống tấm khăn voan của mộng mơ và khát vọng. Sông Công ơ hờ, chập chờn, vô cảm. Bầu tinh vân lạnh lẻo như sắp rơi òa xuống.
Năm ấy tôi cũng 54 tuổi. Độc thân với cây đàn ghi ta, trong một ngôi nhà thèo lảnh dưới chân ngọn đồi bát úp. Người đàn bà của tôi đã phiêu dạt nơi nào. Đứa con gái bé bỏng của tôi cũng phiêu dạt nơi nào. Họ bỏ tôi ra đi đã mười năm. Mười năm của trống vắng. Mười năm của đớn đau vật vả. Tất cả là vì tôi. Vì cây đàn của tôi. Vì những giờ lên lớp bằng thơ và nhạc của tôi. Ngoài tất cả những thứ đó, tôi không biết làm gì. Oái oăm thế. Người đàn bà của tôi đã đến với tôi vì tất cả những thứ đó, rồi giũ áo bỏ đi cũng vì tất cả những thứ đó. Nàng đã quá thừa mứa những cung bậc của vòng tay xiết. Nàng đã quá thừa mứa những giai điệu thăng trầm của đói khổ. Ngọt ngào hát ư? Hát thì vạt đâu ra đồ đạc trong nhà. Ngọt ngào ru ư? Ru thì làm gì ra tiền ra gạo. “Con cò gánh gạo bờ sông”. Dưới chân ruộng trước nhà tôi có con cò mồ côi. Chẳng biết trống mái, cái đực ra sao; chỉ biết nó đơn côi như một dấu chấm, trắng toát nỗi đau đời. Càng đau hơn khi nó ủ rủ gục đầu trong mưa rào tháng hạ. Ngày qua ngày, tháng cũng theo nhau, đi ngang qua sự trống vắng lạnh lùng của con cò đơn độc ấy. Tôi với nó hợp thành hai dấu chấm song song. Tôi là dấu chấm ở trên. Nó là dấu chấm ở dưới. Chúng tôi mở ra những dòng chảy của ngôn từ và giai điệu. “Ta ở trong nhau suốt cuộc đời chẳng biết, nụ hôn nồng nàn rướm máu buồn vui”.
Thế rồi con cò ấy lạc đi đâu, hay mất đi đâu. Hay đã rục xương bởi một viên đạn chì bắn vào đơn độc. Nó bỏ lại mình tôi với nỗi đau giằng xé. “Phải chi tình yêu có thể sống thay cuộc đời, đánh đổi niềm vui cho nỗi buồn dằng dặc”. Người đàn bà của tôi đã không chịu nổi tiếng đàn của tôi. Tiếng đànThạch Sanh giành lại nàng công chúa hóa câm vì thằng Lý Thông đểu giả. Tiếng đàn của tôi thì xua đi một tình yêu đói cơm, thiếu áo. Còn con cò ấy! Vì sao nó đơn côi!? Vì sao!? Vì sao!?.. Nhưng giờ thì rõ ràng nó không còn nữa, không còn hợp với tôi thành hai dấu chấm song song, mở vào đời nỗi niềm đơn độc. Chỉ còn cô bé với tôi bên bờ sông Công, trong góc khuất, trong cuộc chơi trốn tìm mà không ai trốn được. Chúng tôi sẽ thuộc về nhau đến tận cùng máu thịt, nếu như tôi không vụt nhớ ra gương mặt xanh lướt của người đàn bà của tôi, trong cơn oằn mình đớn đau vượt cạn.
Bấy giớ là hai giờ sáng.
Trời đất Bắc Giang chìm trong mưa xối xả. Tôi trùm vợ tôi bằng tấm ni lông của lính. Nàng ngồi sau gác ba ga, người mềm oặt ra vì những cơn đau hành hạ. Tôi đầu trần, chân dép lốp, gò lưng đẩy chiếc xe phượng hoàng giữa mưa tuôn chớp giật. Mưa Bắc Giang như nghiêng trời trút nước. Những lưỡi tầm sét bủa thẳng từ trời cao xuống gò đồi. Sấm gầm như bom pháo trận chống càn ở phía đông thành Cổ. Cứ sau mỗi lần bom pháo điên cuồng bão táp, thủy quân lục chiến từ biển lại trào lên, quạt đại liên và AR15 ràn rạt. Tiểu đoàn tôi đã kiệt cùng sức lực, đạn dược và vũ khí. Lê tuốt trần dưới chiến hào, chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ. Từng người. Từng người. Cứ từng người thay nhau ngã xuống. Thủy quân lục chiến vẫn trào lên. Chúng tôi vẫn trụ lại. Cho đến lúc được phép mở đường máu thoát ra. Cả đời tôi, không bao giờ tôi quên được, trận bom pháo như sấm rền chớp giật ở phía đông thành Cổ. Còn bây giờ. Sấm sét cứ lồng lên, xé toạc màn đêm thành trăm ngàn mảnh vụn. Vợ tôi đã không thể chịu đựng được hơn vì quặn đau và sợ hãi. Đúng lúc ấy thì thòi ra cái chòi tre quán nước bên đường. Tôi đã từng uống chè, ăn kẹo dồi chó, hút thuốc Nhị Thanh ở đây. Tôi đã từng hầu chuyện bà cụ tám mươi có hai người con chết trận ở phố Lu thời chín năm chống Pháp. Bà cụ mỗi ngày vẫn từ làng ra bán nước chè xanh trong cái quán tùm hụp bên đường này. Họa vô đơn chí ư! Phúc bất trùng lai ư! Chỉ cái quán của cụ bà, xiêu vẹo trong gió mưa là có thật.
Vợ tôi nằm trên tấm ni lông của lính. Thân hình nàng co giật. Bụng cồn lên từng cơn cuồn cuộn. Nước ối túa ra thành vũng. Sền sệt. Nhừa nhựa. Rồi thì máu. Chao ôi, biết bao nhiêu là máu. Mắt tôi mờ đi. Lòa đi. Đầu tôi căng nhức. Tôi đã từng chứng kiến biết bao nhiêu là máu, phún ra từ thân thể bạn bè, nhưng đây là máu của người sẽ sanh hạ cho tôi, một phần những giọt máu của tôi. Đổ hết máu ra ngoài trái tim thì làm sao mà sống! Lồng ngực tôi thình thình như đang nện trống. Ong ong niềm kinh hãi.
Mưa vẫn tuôn.
Gió vẫn giật.
Sét vẫn bổ.
Sấm vẫn gầm.
Trong cuồng loạn của đất trời đen đặc, tôi đã móc được công chúa của tôi ra, từ máu và nước vàng sền sệt. Nó nhẽo nhợt, nhăn nhúm, vấy đầy máu và nước ối. Hoảng loạn đến cùng cực, nhưng tôi vẫn nhớ ra thiên chức đàn ông của “thằng chồng” có học. Nằm xoài xuống đất, tôi dùng hàm răng của mình cắn rốn cho con. Tôi lột tấm áo lính của mình, quấn lấy đứa con hon hỏn. Vợ tôi lả ra trên máu của mình và nước của trời rưới xuống. Nàng sẽ chết mất. Chết mất. Nếu cơn mưa của trời không đột ngột chấm hết, như một dấu chấm than dập tắt đi tất cả. Nếu bình minh không vụt hiện như một dấu chấm than thúc gọi mặt trời.
Nâng đứa con trên đôi tay lính của mình, tôi vùng chạy ra ngoài, hướng nó về phía chân trời đang ửng đỏ, gào lên: Con ơi! Con là Ánh Dương! Hồ Ánh Dương!
Bỗng hực một cái, mặt trời bật dậy từ dưới một quầng mây nào đó. Xoay người lại túp lều, tôi thấy rỡ ràng chiếc cầu vồng cong vun vút. Một cánh cò lẻ loi từ đó bay chếch về phương Nam.

Kể tất cả điều đó cho thầy Tuấn nghe trong đêm mưa bên hồ Đại Lải, nhưng tôi không dám chắc rằng, ông bạn giáo từng đi lính, từng viết văn của tôi, sẽ tin tất cả. Cánh văn chương vẫn bịa ra những chuyện lãng mạn nhất, khủng khiếp nhất. Cánh phê bình gọi đó là bịa nghệ thuật. Cánh giáo viên thì phẩy tay, thật hay bịa gì cũng là hình tượng trong văn học, cứ phải có trong giáo trình hướng dẫn giảng dạy mới dạy được. Riêng với tôi, đó là nỗi đau và tình yêu có thật. “Có một ngày ngỡ như trời đẹp hơn, dù gió mưa có dập vùi tơi tả, dù ngày ấy ta đã từng gục ngã, trong cơn mê mang bảy sắc cầu vồng”.
Tình yêu của tôi đốn gục tôi có thể từ ngày ấy.
Và… nếu điều ấy không có thật, làm sao tôi có thể trốn chạy khỏi vòng tay của cô bé đang run lên thổn thức. Cô bé ấy còn trẻ lắm. Cô là sinh viên của tôi. Vầng trăng mùa đông của tôi. Nỗi đau thắt của tôi, “… đã thành hoài niệm, nguyên sơ như khát vọng thuở ban đầu”.

3.
Tôi đọc to lên “Khoảng không” của thầy Tuấn.

Nước mắt người anh hùng
Nghẹn lại rưng rưng
Ở trang cuối cùng
Giữa những năm đớn đau và cao cả

Tại nhà sang tác Vũng Tàu, tôi gặp người bạn giáo viết văn từ Sài Gòn xuống. Cô ta phì nhiêu, màu mỡ đến mát rượi thịt da của người còn sung sức. Cô rủ tôi xuống biển tắm đêm. Sóng cồn lên. Biển vồng lên. Ngực biển căng phồng thổn thức. Hai chúng tôi và biển sóng. Chúng tôi vùi mình trong biển mặn. vầng trăng mỏng như lá thép, uốn nhẹ dáng thuyền tình mỏng mảnh, bồng bềnh trôi trên cánh đồng mây nhẹ hẩng. Im lặng như trời mà rùng rùng như sóng. Sóng biển va đập, khiến da thịt chúng tôi lúc lúc lại chạm vào nhau. Sóng dội từ trong lòng, khiến tôi nhớ về người đàn bà đã bỏ tôi ra đi cùng đứa con bé bỏng. Hai thứ sóng ấy hành hạ tôi đến tận cùng nỗi đau nhân thế.
Chúng tôi trở về tiền sảnh phòng lễ tân khi trăng non đã lặn. Ở đó, người bạn giáo viết văn, nắm lấy tay tôi và nói: “Tôi gặp Thủy ở Gò Vấp. Cô ấy mở quán cà phê. Vẫn mỏng mảnh như cây thủy liễu của anh ngày nào. Ánh Dương đang là sinh viên năm thứ hai ngành kiến trúc. Nó đẹp lắm. Nhưng nói thật nhé!.. Nhìn hai mẹ con côi cút, cứ ứa cả nước mắt vào lòng. Số cầm tay của Thủy đây!”.
091… Những con số vô hồn dày vò tôi đã bao năm nay. Theo lối ký âm số của người Hoa, tôi từng hằng đêm bấm rung lên thành giai điệu cút côi của đứa con bé bỏng. Những con số ấy, mỗi ngày mỗi mưa xuống đời tôi từng giọt đắng. Một là Đô. Hai là Rê. Ba là Mi. Bốn là Fa. Năm là Sol… Con ơi!.. Ánh Dương của cha mọc từ cái quán tre của bà cụ tám mươi đơn chiếc. Ngày bà cụ qua đời, cha ẳm con đưa tiễn. Con học cha thả vào huyệt mộ nắm đất. Nắm đất nhỏ nhoi của con, cùng với đất đá Phổ Yên, đã phún trên mộ cụ bà những bông cỏ may, may vào tâm thức của cha, giai điệu của chia ly đầm đẫm nỗi buồn nhân thế.
Trong từng tiết dạy, tôi vẫn thường bấm rung lên giai điệu 091… và hát lên rười rượi:

Lẫn trong thời gian chia ly, gặp gỡ
Nước mắt rơi vào giữa tiếng cười
Ai biết chăng thật giả buồn vui
Chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại

Cô bé ấy, cô bé ngồi trong cùng của dãy bàn cuối cùng ấy. Dường như cô đã khóc rất nhiều, rất nhiều, mỗi khi nghe giai điệu ấy. Thẳm sâu đến hun hút một nỗi buồn xẻ chia, tâm cảm. Đã một đôi lần tôi bắt gặp những ngón tay thon thả của cô, chạy rã rời trên bàn phím, giai điệu 091… của tôi. Thế rồi một hôm tôi đã nghe cô hát: “Ai bết chăng thật giả buồn vui, chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại”. Để chạy trốn sự yếu đuối của mình, tôi đưa cô bé ra sông Công, nơi con sông sắp òa đổ vào hồ núi Cốc, dệt nên huyền thoại chàng Cốc nàng Công.
Khi vòng tay đã lịm chín, khi ngọn lửa linh thiêng sắp không cầm lại được, tôi bàng hoàng nhớ lại đêm mưa gió điên cuồng chớp giật. Giai điệu đã giết tôi bằng “khoảng không” đầy ngờ vực, của bờ vực tâm linh một người thầy, một người đàn ông trống vắng đã mười năm. Trong tôi âm âm đến nhói lòng, giai điệu vô vi Trịnh Công Sơn đã hát:

Đường xa mỏng mộng vô thường
Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi

4.
Đêm mưa gió ấy, hình như hồ Đại Lải không ngủ thì phải. Tiếng sóng cứ cồn cào- cồn cào. Tiếng rừng cứ nấc lên- nấc lên. Day dứt và thao thiết.
Thầy Tuấn nói:
- Khi bức xúc nửa chừng trang viết, tớ ngồi nhắm mắt lại, hồi tưởng dòng chảy của thời gian, cho đến bao giờ vụt hiện một tứ gì đó, mà truyện ngắn không chở nổi, tớ chép vào sổ tay để neo lại. “Lẫn trong thơi gian phấp phỏng tình cờ, như cơn gió lành ngơ ngác trong mơ”.
Tôi nắm lấy hai câu thơ ấy, bước ra khỏi phòng nhà biệt thự D4. Hai cây xoài xõa lá, hứng rủ rượi mưa trời. Hai cây mít chít chiu trái mọng đầy gai, tựa vào nhau chịu từng trận gió. Nhói trong lòng câu thơ của Huy Cận: Gỗ mít đỏ tươi như thân người xẻ dọc.
Phải chăng người đàn bà của tôi đã xẻ dọc đời tôi làm hai mảnh. Mảnh đớn đau của ông thầy đói nghèo thời bao cấp. Mảnh tự ái đến lồng lên của anh chàng nghệ sĩ nửa mùa, dại dột chui đầu vào thòng lọng của nghề dạy học.
Ngày ấy, người đàn bà của tôi là sinh viên của tôi. Cô sinh viên nghèo, đến từ một đồi chè tuyết Hà Giang. Ngay bài giảng đầu tiên về thế giới của âm thanh thành giai điệu, đôi mắt mở to hoài vọng của nàng đã đốt cháy tim tôi.
Tôi. Chàng sinh viên Khoa Trắc đạc – Bản đồ, vào chiến trường từ mùa hè 72 đỏ lửa. Tôi. Chàng lãng tử cuối cùng của “Bài ca Trường Sơn” thành giáo viên dạy nhạc. Tôi. Người đốt cháy trái tim xuân thì của nàng suốt ba năm để biến nàng thành vợ. Chúng tôi đã có những năm tháng ngọt ngào hạnh phúc, những năm tháng nếm trải gian nan thời bao cấp; chúng tôi đã có những năm tháng dằn vặt lẫn nhau, vì tính lãng tử đời trăng của tôi, tính bốc đồng thiên về thực dụng quá thể của nàng. Và… cuối cùng là sự ra đi của người đàn bà của tôi, chỉ vì chúng tôi không thể nào chia xẻ được với nhau về một vài quan niệm sống.
091… dãy số đã hóa thành giai điệu, đang tồn tại trong máy của tôi. Trong cơn mưa Đại Lải đêm nay, những con số bỏng cháy ấy, đã thắp lên chuyện xưa, xui khiến không thể nào chợp mắt.
Giữa lúc chúng tôi đang hết tiền, hết gạo, bỗng lù lù ở đâu hiện ra thằng bạn thời chiến trường lửa máu. Đó là Hoàng Quân, tay súng B40 lì lợm nhất tiểu đoàn. Gương mặt anh ta đẹp một cách đáng sợ, bởi hai bên má, sâu hoắm vào hai lúm đồng tiền, to như đầu ngón tay. Một viên AR15 bay xuyên qua miệng, khi anh ta nhào lên hét xung phong, đã làm nên kiệt tác kỳ diệu ấy. Trong cơn bấn bí không có gì đãi bạn, tôi đã vặt lông con gà mái duy nhất, đang nằm ổ trong chuồng. Nó cũng là con gà kỳ diệu, từng sống qua bốn mùa dịch cúm, từng xù lông đá lại diều hâu. Giết nó là dập tắt niềm hy vọng bầy gà con sắp sửa ra đời. Nhưng không giết, biết lấy gì đãi bạn. Nó đã vượt hàng trăm cây số, tìm thăm tôi. Nó đã từng băng bó cho tôi, cõng tôi thoát chạy ra khỏi vòng tử chiến, dìu tôi vượt qua dòng Thạch Hãn rộng mênh mông. Khổ nỗi, dù đã hầm cả tiếng, thịt vẫn dai nhanh nhách, nhai tới sái quai hàm, vẫn cứ lì ra, không thể nào nuốt được. Bạn tôi phá ra cười. “Đằng nào cũng thế, luộc luôn ổ trứng cho rồi. Trứng gà lộn. Ha ha! Gà lộn! Hết thứ này có thứ khác. Cứ tin thế đi! Đời mà! Khổ quá, tớ đang định tung hê hết để đi buôn đây. Buôn bán thì có gì là xấu. Mình đem về cho người ta cái người ta cần, xấu chỗ nào nào!”.
Hôm ấy, tôi hú mấy anh bạn cùng trường qua chơi. Rượu cắm quán thêm hai lít. Tam Thanh cắm quán thêm hai bao. Nửa tháng sau lĩnh lương tháng ấy, thủ quỹ trường trừ lại hơn phân nửa. Ngươi đàn bà thực dụng của tôi, nghi ngờ tôi có bồ có bịch. Vết rạn nứt bắt đầu toác ra từ đó. Và… theo đường rày vay nợ, tháng nào lương tôi cũng bị trừ hơn một nửa trở lên. Những đồng tiền còm cõi đem về, không cứu nổi cuộc tình thời bao cấp. Cô sinh viên từng si mê giai điệu của tôi, người đàn bà từng dâng hiến cho tôi đứa con nhỏ nhoi trong mưa gào chớp giật, đã giũ áo ra đi trong đầm đầm nước mắt.
091… những con số hằng đêm dằn vặt, dày vò tôi đến lao tâm khổ tứ. Tìm lại ngày xưa ư? Không đời nào! Người đàn bà của tôi đã lạnh lùng như băng giá bỏ đi. Đã cướp mất đứa con nhỏ nhoi của tôi mà tôi yêu biết mấy. Nhưng con ơi! Ánh Dương của cha ơi! Làm sao cha có thể quên đêm mưa gió con ra đời. Nếu bà cụ tám mươi không ra sớm, ai sẽ giúp cha đưa hai mẹ con vào làng? Nếu dân xóm không cưu mang, ai sẽ giúp hai mẹ con qua cơn nguy kịch? Vậy mà mẹ nỡ lòng bỏ qua tất cả! Nỡ lòng dứt con ra khỏi đời cha!
Không mẹ phải tự tìm về! Còn cha?.. Ánh Dương ơi! Con ơi!..

5.
Thầy Tuấn sửa dáng ngồi, khoát tay, dim mắt đọc:

Gió ơi, mi sinh ra làm gì?
Ta sinh ra để thổi cho vui!
Sông ơi, mi sinh ra làm chi?
Ta sinh ra để chảy, thế thôi!
Hoa ơi, mi sinh ra làm gì?
Lửa ơi, mi sinh ra làm chi?

Người ơi, mi sinh ra làm gì?

Những câu thơ khoan xoáy vào đêm mưa hồ Đại Lải. Những câu thơ càng lúc càng khoan xoáy vào tim tôi đến rướm máu. Mười năm người đàn bà bỏ tôi đi. Mười năm biết bao cô sinh viên si tình giai điệu của tôi. Những cô gái đến từ đồng thấp đồng cao. Những cô gái đến từ non xanh núi thẳm. Có cô hoài vọng vào tương lai được dứt bỏ tháng ngày cơ cực, chân lấm tay bùn. Có cô muốn giúp tôi lấp đầy khoảng trống. Có cô chỉ vì chút đam mê cháy lửa tình lãng mạn. Còn cô bé ấy, cô bé ngồi trong cùng ở dãy bàn cuối cùng ấy, cô chỉ muốn dâng hiến cùng tôi. Gọi là gì nhỉ? Sự dâng hiến trắng trong của trinh nguyên ý tưởng? Tôi hoàn toàn độc thân! Tôi hoàn toàn vô tội! Nhưng?.. Nhưng! Cô bé ấy trẻ quá, lại còn đang đi học! Học Nhạc, một môn học đầy “tinh thần” lãng mạn. Vậy thì cô mới hoàn toàn vô tội. Còn tôi, tôi đã 54 tuổi. Đã từng trải và đầy kinh nghiệm sống. Tội lỗi nhất định thuộc về tôi. Năm tháng sẽ trôi qua, sẽ đến lúc cô bé ấy lớn lên, sẽ đến lúc cô bé ấy nhìn ra sự thật. Tòa án lương tâm hành xử tôi thế nào, nếu như cô bé ấy trở thành đàn bà, lại bồng con giũ áo ra đi, dở dang cả một đời con gái? Người đàn bà của tôi đã dứt bỏ tôi đi, là minh chứng. Chỉ còn tôi với cây đàn ghi ta, với mười năm đơn độc. Nhưng… tôi và cây đàn của tôi có tội tình gì? Tội tình gì?..
Con cò đơn côi cũng bỏ tôi mà đi. Giờ này nó ở đâu? Ở đâu? Chắc là nó đã tìm được một nửa của đời mình. Còn một nửa của đời tôi? Còn con gái bé bỏng của tôi? Còn tình yêu của tôi? Còn phẩm giá người thầy của tôi? Còn bao nhiêu năm tôi vùi mình trong lửa máu? Lẽ nào tôi đánh mất! Lẽ nào tôi vứt bỏ! Lẽ nào! Lẽ nào!
Bị nung cháy bởi những dòng ý tưởng ngạt thở ấy, tôi đứng dậy, kéo tay dẫn cô sinh viên trẻ trung về lại ngôi nhà dưới chân ngọn đồi bát úp. Biến nồi cơm nguội thành nồi cháo thịt bằm, với thật nhiều hành và tiêu, tôi dọn lên bàn cho cô sinh viên của mình. Còn tôi, tôi lôi cây đàn treo trên tuờng xuống, lục trong đống tài liệu lưu trữ mốc meo và bụi bặm, cuốn đọc tấu ghi ta, những bản nhạc tôi chép tay từ thời mới ra quân, chuyển ngành đi học. Cuốn nhạc này tôi đã từng chép một cách hăm hở, khi tôi mới từ rừng sâu về thành phố. Bấy giờ tôi chỉ biết cả ngày tha thẩn ở các hiệu sách tư nhân để lục lọi, mượn mọc, và ngồi lì một góc để chép. Tôi chép say mê đến quên cả cơm trưa, quên cả cơm chiều, đến phải mua bánh mì không ngồi ăn tại chỗ. Nhiều chủ tiệm sách đã thông cảm, đem cho tôi ca trà đá, hay một dĩa trái cây, hay một dĩa bánh gì đó. Nó là nỗi đam mê một thời trai trẻ của tôi, tình yêu một thời trai trẻ của tôi. Vậy mà tôi đã quên bẵng suốt mười năm.
Khi dốc ngược cuốn sách để giũ bụi, một tờ giấy học trò đã rơi ra. Nhặt lên, tôi nhận ra nét chữ của vợ tôi, của người đàn bà của tôi. Nhiều dòng chữ bị nhòe loang nét bút. Có lẽ nàng đã khóc khi viết những dòng này. “Em giải phóng cho anh, để anh tha hồ bay bổng suốt ngày cùng giai điệu, tha hồ ôm đàn ca hát suốt ngày suốt đêm với bạn bè. Cuộc sống sẽ không có sự lựa chọn, nếu chúng ta và con cái chúng ta không đủ ăn, đủ mặc hàng ngày. Em không muốn là chiếc bóng cản trở niềm đam mê của anh. Em sẽ đi xa. Đi thật xa để nuôi con và để giải phóng cho anh. Hãy tin rằng, em và con…”. Tôi không thể tin được vào đôi mắt của mình. Mặt đất dưới chân như sụp xuống. Sụp xuống. Đất trời như quay cuồng chóng mặt. Đêm đen đặc, như dồn nén cả màn đêm mà ép xuống- ép xuống tôi đến thóp thoi, dằn vặt. Quẳng lá thư lên mặt bàn, tôi để mặc cô sinh viên trẻ trung muốn làm gì thì làm, muốn ngủ đâu thì ngủ. Còn tôi, tôi dốc ngược chai Nàng hương, tu một hơi tới ngạt thở, rồi ôm cây đàn, đập cả bàn tay lên sáu sợi thép, cào cả năm ngón tay lên sáu sợi thép, nấc lên giai điệu.

Giữa cuộc đời như gió thổi, sông trôi
Sẽ còn lại muôn đời
Những câu thơ
Và những lời ca thấm đầy nước mắt

Khi hàng âm cuối cùng vừa tắt, tôi giáng cả bàn tay xuống gần ngựa đàn. Sáu sợi dây đàn đứt phựt.
Cô sinh viên trẻ trung ngồi thả chân trên giường, ấp cả hai bàn tay lên mặt, khóc nấc lên.
- Thầy ơi!..
Lá thư của vợ tôi rung bần bật trong đôi bàn tay nhỏ nhắn, đang ấp trên gương mặt trắng nhợt, đầm nước mắt.


Nhà sáng tác Đại Lải, 2.7.06 – Vĩnh Long, 16.8.06
H.T.T.
0913.648732
Ghi chú: tất cả thơ in chữ nghiêng đều rút trong tập thơ “Khoảng không” của Hoàng Dân- CĐSP Hà Nội.

Cu Đồ cháy mấn

Truyện ngắn:
CU ĐỒ CHÁY MẤN


Hồ Tĩnh Tâm

Năm 1965, tôi theo gia đình đi sơ tán ở xã Nghi Xuân.
Một hôm, vào buổi trưa, lúc cả nhà tôi đang ăn cơm, đột ngột xuất hiện một người đàn bà mặc cái mấn màu nâu. Bà ta khoảng chừng ba mươi tuổi. Mới đầu, bà ta xổ ra một tràng tiếng Tây. Thấy cả nhà tôi ai cũng há mồm ra ngơ ngác, bà ta cười mà nói:
- Nỏ biết tiếng Tây à? Cho xin đọi cơm!
Mẹ tôi bới cơm và gắp cho bà ta một khúc cá thu. Bà ta cầm lấy cái môi, tự chan canh, rồi bắt đầu và cơm lia lịa. Khi cơm hết, bà ta lại tự động xúc cơm cho vào bát; rồi húp ào hết nước canh. Hết canh, bà ta lại tự động chan canh cho mình. Ăn hết hai bát cơm, bà ta phủi tay đứng dậy. “Cơm không độn ngô, độn khoai, ngon lắm!”. Nói xong câu đó, bà ta múa múa hai cánh tay, bỏ đi ra đường.
Mẹ nói:
- Cu Đồ cháy mấn. Khôn tổ trời!
Từ đó, tôi đâm ra hay nghĩ về người đàn bà điên ấy.
Anh Trí, ở trọ gần nhà, nói với tôi:
- Cu Đồ là người có học trường Tây. Học nhiều qúa mà điên. Bây giờ bà ta chỉ nhớ tiếng Tây, chỉ hay nói tiếng Tây.
Vào một đêm sáng trăng vằng vặc, anh Trí rủ tôi lấy xe đạp, đạp ra xem cầu Cấm. Cầu Cấm lúc bấy giờ, hầu như trưa nào cũng bị máy bay ném bom; thỉnh thoảng còn bị đánh cả vào ban đêm. Mức độ đánh phá rất quyết liệt. Máy bay quần quần dươi cửa biển, quần quần dưới Cửa Lò, rồi chia thành nhều tốp bay tới bắn phá và dội bom. Chúng bay bổ nhào từ hướng mặt trời, để bộ đội ta bị chói mắt, khó nhắm bắn. Có khi chúng bay sát rạt theo lòng sông, để tránh bị ra đa phát hiện. Bay thấp tới mức, nước dưới sông cuộn lên thành sóng trắng xóa. Khi gần tới cầu, chúng mới bay vọt lên, rồi cắm xuống cắt bom và bắn rốc két. Bộ đội đặt pháo cao xạ trên núi, bắn trả rất quyết liệt. Đi xem cầu Cấm là một việc liều mạng. Nhưng vào cái tuổi tôi, được đi xem nơi nguy hiểm là oai lắm, thích lắm. Hơn nữa, tôi lại tin vào anh Trí, bởi anh đã học tới cấp ba, đã được kết nạp vào Đoàn.
Hai chúng tôi cắm cúi đạp xe trên đường số một. Nhiều đoạn đường bị bom, đất đá lổn nhổn, xe xóc nảy như phi ngựa. Càng gần tới cầu, tôi càng sợ. Lỡ máy bay đến thì trốn ở đâu. Như đoán được ý tôi, anh Trí động viên: “Đừng sợ! Bộ đội còn dám đặt cả pháo cao xạ giữa cầu. Dọc đường, hầm tránh bom thiếu gì!”. Tuy có vững bụng hơn, nhưng nói chung thì tôi vẫn sợ. Tôi nhớ những chiếc thần sấm, con ma, bay chúi xuống cắt bom, tiếng rít như gió bão, nghe rùng cả xương sống. Tôi hình dung ra những qủa bom đen chùi chủi, xoáy tít những vòng xoáy kinh người, rú rít màu chết chóc. Cả những trái rốc két, phóng xuống từ hai cánh máy bay. Và lửa, và khói…
Đang lúc tôi vừa đạp xe vừa nghĩ tới cảnh chết chóc rình rập, thốt nhiên có một bóng người đột ngột hiện ra ở bên đường. Đó là một người đàn bà xõa tóc. Bà ta vung cả hai tay lên trời, xổ ra một tràng âm thanh mà tôi không hề hiểu được. Chưa kịp bóp phanh, tôi đã bị người đàn bà ấy nắm lấy ghi đông, xô ngã nhào xuống đất.
Bà Cu Đồ.
Cu Đồ lôi tôi dậy. Một tay nắm tay tôi, một tay chỉ về phía Quán Hành.
- Muốn chết hử! Máy bay sắp tới nì! Đánh cả Quán Hành nữa tề!
Anh Trí quày lại, nói như hỏi:
- Mần răng bà biết mà dọa hắn?
Cu Đồ một tay xốc mấn, một tay vẫn nắm chặt tay tôi.
- Nỏ nghe tiếng ì ì dưới Cửa Lò răng? Máy bay phản lực, choa biết hết tề! Hôm nớ chết ba người. Choa đi chôn chứ mô.
Đúng lúc đó, phía cầu Cấm, đèn pha chiếu lên trời rừng rực. Đạn lửa bay ngoằn ngoèo. Pháo trung cao nổ đoàng đoàng. Pháo đại cao nổ khùm khụp. Đạn nhọn nổ chớp chớp như ngô rang. Bầu trời thoắt một cái, lập tức biến thành chảo lửa. Cu Đồ xô tôi xuống vệ đường, vừa nằm đè lên vừa nói: “Mi đừng sợ! Choa ở đây gác đường choa biết. Cháy hai chiếc là hắn cút ra biển”.
Qủa nhiên hôm đó, có hai chiếc máy bay bị ta bắn cháy. Tôi nhìn rất rõ hai chiếc đó bị cháy như thế nào. Chiếc thứ nhất vừa lọt vào hai vệt đèn pha sáng quắc, lập tức bị trúng đạn pháo cao xạ, phụt ra một quầng lửa chói lóa, đâm sầm về phía đèo Mụ Giạ. Chiếc thứ hai bị trúng đạn khi bay bổ nhào, toàn thân bốc cháy rừng rực như một bó đuốc, rơi cắm xuống phía bên này chân cầu.
Cu Đồ buông tôi ra, chạy lao lên mặt đường, vung cả hai tay mà hét lên:
- Đi bắt phi công nì! Đi bắt phi công nì!
Tôi không ngờ là bà ta lại chạy nhanh làm vậy. Chỉ loáng một cái đã biến mất vào ruộng lạc. Anh Trí và tôi bị kẹt hai chiếc xe đạp nên phải quay trở về.
Dọc đường, tôi hỏi:
- Mần răng là đàn bà mà lại gọi là Cu Đồ hả anh?
- Tau cũng nỏ biết. Bà ta học tiếng Tây chứ có học tiếng Tàu mô!
Bấy giờ ở Nghi Xuân, hợp tác xã đã thu hoạch xong mùa lạc, dọc theo các con đường, chỗ nào cũng thấy phơi lạc tràn cả ra. Còn ở ngoài ruộng, lạc sót vùi trong cát, khô giòn tới mức có thể dùng ngón tay xe cho vỏ lụa vụn ra. Đi mót lạc một tuần, chúng tôi có thể kiếm được cả thúng.
Vào một hôm trời mưa rào như xối, tôi theo người lớn đi xem kéo vó ngoài đầu cống nông giang, nơi nước đổ xiết vào ruộng lúa. Không biết cá chép ở đâu mà nhiều thế. Có mẻ vó kéo lên, trong lưới dính những hai ba con , nhảy lững tửng. Ánh lên sắc vảy màu vàng, màu xanh, rất đẹp mắt. Đang lúc lũ nhóc chúng tôi chạy nhảy, hò hét inh trời trong mưa thì Cu Đồ xuất hiện. Bà ta túm trong vạt mấn một mớ giá lạc. Cọng giá nào cũng to như đầu đũa, trắng muôn muốt. Nhìn thấy tôi, Cu Đồ ngoắt lại.
- Cho mi nầy. Đem về xào mỡ. Ngon lắm đó!
Bà ta vừa nói vừa đổ cả mớ giá lạc xuống bờ nông giang. Xong xuôi, bà ta cầm lấy oi cá của một người đàn ông, túm lấy một con cá, nặng chừng nửa cân, giơ lên huơ huơ trước mặt.
- Nỏ biết cho con nít à! Hắn nỏ có vó, mần răng mà bắt được.
Người đàn ông quay lại, gật đầu nói với tôi:
- Cho cháu đó! Về nấu canh dưa mùng mà ăn.
Tôi xách con cá và buộc túm mớ giá lạc trong áo trở về, vừa đi vừa nghĩ: Bà Cu Đồ hay thật. Ai nói bà ta điên nhỉ? Điên mà biết trước máy bay sẽ ném bom, sẽ rơi hai chiếc. Điên mà biết đi mót giá lạc đem cho trẻ con.
Nhưng Cu Đồ đúng là người đàn bà điên. Tôi nhiều lần thấy tận mắt, giữa trưa nắng mùa hè, bà ta ra giếng làng, lột trần lột truồng, dùng gàu múc nước, đứng dội xông xổng. Tôi thấy vào mùa đông năm ấy, bà ta khoác áo tơi đi lang thang trong xóm, ghé vào từng nhà xin khoai xéo và cá nục, cá trích; rồi ra ngồi cạnh gốc cây rơm, vừa ăn vừa đút khoai cho trâu. Khi trời sập tối, có lúc bà ta vào nhà dân ngủ nhờ, có lúc bà ta khoét cây rơm thành bộng, chui vào cuộn mình ngủ luôn trong đó. Vậy mà không ở đâu tôi thấy người ta khinh ghét Cu Đồ. Người ta chỉ nói: “Kìa, Cu Đồ cháy mấn!”.
Chuyện Cu Đồ cháy mấn, anh Trí có kể cho tôi nghe. Đó là vào một ngày gió bấc thổi hun hút, Cu Đồ ghé vào nhà dân sưởi lửa bếp, và xin khoai lang ngồi nướng. Bà ta lui cui sao đó, làm cái mấn rộng lùng nhùng bị bén lửa. Lúc lửa cháy thành ngọn, Cu Đồ mới biết, mới nhảy dựng lên, mới kêu trời toàn bằng tiếng Tây. Đáng lẽ tìm cách dập lửa, Cu Đồ lại lột phăng cái mấn ra, tồng ngồng chạy ra sân, ném cái mấn xuống gốc cau. Nếu ông chủ nhà không chạy ra kịp thời dập lửa, chắc chắn cái mấn duy nhất của Cu Đồ đã cháy không còn một miếng.
Có lần, một đoàn nhà văn đi thực tế khu bốn, ghé lại đội bốn của hợp tác xã Nghi Xuân, nơi tôi đang ở trọ. Nhà thơ Phạm Hổ và một ông nhạc sĩ mà tôi không còn nhớ tên, nghỉ lại mấy hôm tại ngôi nhà gần với nhà tôi đang ở trọ. Tôi vốn thích thơ thiếu nhi của Phạm Hổ, nên ngày nào cũng mò sang chơi. Thích nhất là được nghe ông nhạc sĩ vừa đáng đàn mandolin vừa hát. Tôi lại càng thích hơn khi được ông ta dạy cho cách đánh đàn. Một hôm, tôi đang say sưa tập đánh bài “Lì và Sáo”, thì bà Cu Đồ xuất hiện. Bà ta cầm lấy cây đàn, ngồi xệp xuống hiên nhà, chơi một bản nhạc rất hay. Tôi từ ngạc nhiên tới sững sốt. Chẳng lẽ Cu Đồ biết cả nhạc? Có điều không biết bà ta chơi có đúng không. Bởi vì giai điệu mà bà ta đang vê thành tiếng giòn dã, tôi không biết là của bài gì.
Khi nhà thơ Phạm Hổ trở về, ông ta mới nói với tôi:
- Bà Cu Đồ này giỏi thật! Biết đánh cả bài”La Sansong de Lara”
Từ đó, tôi đâm ra kính nể bà Cu Đồ thật sự.
Trong tâm tưởng của tôi, bà Cu Đồ là người đẹp, người tốt, người có học. Tôi không sợ khi ở gần bà ta. Nhưng tôi rất sợ nhìn vào mắt bà ta. Đôi mắt ấy có lúc vô hồn, có lúc rực lên ánh nhìn sắc lem lẻm. Lạ một điều là Khoa Toán của Trường đại học Sư phạm Vinh, sơ tán tới đâu, Cu Đồ cũng theo tới đó. Không ai quan tâm tới Cu Đồ. Sự hiện hữu của bà trên cõi thế, như là sự tất nhiên của Chúa. Bà ta cứ việc sống, cứ việc lang thang, cứ việc lột truồng nhông nhổng mà tắm ở giếng làng. Ở đâu, người ta cũng sẵn sàng cho Cu Đồ một bát cơm, một nắm khoai xéo, một bát nước chè xanh hay chè vối. Cu Đồ cứ mặc nhiên tồn tại như không hề tồn tại. Bởi vì không ai phải bận tâm với Cu Đồ.
Duy có một lần, vào lúc đêm hôm khuya khoắt, lúc sáng sao nhờn nhợt, tôi theo lũ trẻ đi chơi trốn tìm ở sân kho hợp tác xã trở về. Lúc đến gần gốc cây gạo dẫn ra giếng làng, tôi thấy một người đàn ông đang vật nhau với Cu Đồ. Gã đàn ông đó không mặc quần. Lập tức lũ trẻ mấy đứa chúng tôi hiểu ngay là phải làm gì. Chúng tôi đồng thanh hét lên: “Hiếp! Hiếp! Có người hiếp Cu Đồ!”. Gả đàn ông cuống cuồng bỏ chạy. Cả Cu Đồ cũng bỏ chạy. Cái mấn quất phần phật ngang qua chỗ tôi đứng. Thằng bạn tôi vớ được cái quần của gả đàn ông sợ qúa mà bỏ quên. Đó chính là vật chứng duy nhất của tội đồ, khiến cả xóm trong một thời gian dài, không còn ai coi y ra gì.
Sau lần đó, Cu Đồ đi đâu mất biệt.
Việc Cu Đồ bỏ đi nơi khác, tự nhiên lại trở thành một khoảng trống vắng trong mọi người.
Tôi nhiều lần nghe người lớn nói với nhau:
- Cu Đồ là con địa chủ. Mắc bệnh điên từ khi cha mẹ bị đấu tố.
- Cu Đồ là con ông ký sở bưu điện. Học qúa mà điên.
- Cu Đồ là con nhà thương nhân, do thất tình mà đâm ra man man dại dại.
Người ta nói nhiều về Cu Đồ, nhưng chẳng một ai biết gì về Cu Đồ.
Theo dòng chảy thời gian, tôi lớn dần lên, và không còn nghe ai nhắc gì về Cu Đồ nữa. Cho tới ngày tôi lên đường nhập ngũ, khi theo đoàn xe quân sự xuống phà Bến Thủy, thốt nhiên tôi nghĩ đến Cu Đồ. Bà Cu Đồ đã từng xô tôi nằm xuống, xòe cái mấn màu nâu vá chằng vá đụp, che mảnh bom cho tôi. Tôi buột mniệng nói với anh bạn cùng tiểu đội: “Ở quê tôi có bà Cu Đồ cháy mấn. Bà ta điên mà hay lắm! Bây giờ không biết ở đâu”.
Vượt hết dãy Trường Sơn dằng dặc, vào tới chiến trường Nam Bộ, chìm trong khói lửa của cuộc chiến, tôi không còn tâm trí đâu mà nhớ tới người đàn bà điên có tên là Cu Đồ ấy nữa. Ấy vậy mà đùng một cái, bà ta, bà Cu Đồ cháy mấn ở quê tôi, vụt sống dậy sừng sững. Lúc đó là giữa chừng hai trận đánh. Tiểu đoàn tôi bị bom và pháo của tụi sư 9 Sài Gòn dập tơi bời trên bờ bao Mỹ Hòa. Sau năm ngày bám trụ chống càn, quân số tiểu đoàn chỉ còn không tới một nữa. Trong khoảng thời gian im lặng sau trận pháo giàn cấp tập, trinh sát tiểu đoàn tóm được một đứa con gái là lính thiên nga phượng hoàng, lúc nó đang giương cần ăng ten bảy đốt để lên sóng liên lạc với chi khu Mỹ An. Anh em giải nó đến hầm tổ tác chiến của tôi. Phải thừa nhận, tên lính thiên nga phượng hoàng này là một cô gái rất đẹp. Nước da trắng mịn. Mái tóc xì tôn làm tôn sáng hẳn lên cái cổ cao nuột nà, ngà ngọc. Đôi mắt to, đen thăm thẳm, và rất sáng. Nhìn vào cô ta, tôi chỉ thấy sự thánh thiện, chứ tuyệt nhiên không hề nhìn thấy tội lỗi
Đang lúc tôi chuẩn bị giấy bút để hỏi cung, thì một tốp A 37 chúi xuống dội bom. Bom phát quang văng những lưỡi gang ràn rạt như xé gió. Bom khoan nổ chuyển đất. Dứt trận bom rùng rùng như dội bão, lập tức pháo khoan và pháo chụp dập xuống như dội lửa. Căn hầm chữ A âm trong lòng đất của chúng tôi chuyển động rùng rùng như sắp đổ ụp xuống. Chớp lửa loa lóa ngoài miệng hầm. Cô gái từng bán đứng chúng tôi cho pháo bầy, cuống cuồng ôm chầm lấy tôi, thét lên lạc cả giọng: “Me ơi! Mẹ!”. Những tiếng nổ chói chát không át nổi tiếng kêu thảng thốt ấy. Đó là tiếng kêu của con người. Đó là tiếng kêu cứu thật sự của con người. Nó lay thức bản chất người, bản chất lính của tôi. Nó thức tỉnh trong tôi tình yêu của đồng loại. Tôi đã xô cô ta nằm xuống, lấy thân mình che chắn tử thần cho cô ta. Pháo nổ ngay trên nóc hầm, ngay bên miệng hầm. Lửa chớp nhoang nhoáng. Khói và bụi đất mù mịt. Lưng tôi nhói lên buốt lạnh.
Dứt trận mưa pháo kéo dài chừng hai mươi phút ấy, nhìn thấy máu chảy ướt đẫm trên lưng của tôi, cô gái úp cả hai bàn tay lên gương mặt, khóc nức nở.
Tham mưu trưởng vừa băng cho tôi vừa nói:
- Đừng khóc nữa! Khiếp nhược vậy mà cũng đòi làm lính!
Khi đã cho giải cô ta về cứ trung đoàn, tham mưu trưởng vừa châm một điếu Rubi quân tiếp vụ, vừa nhìn tôi mà nói:
- Mẹ kiếp! Nhìn nó khóc, tự nhiên tao nhớ bà Cu Đồ cháy mấm. Bà ấy điên đẹp, đẹp tới lạ lùng!
Té ra tham mưu trưởng lại rất rành về người đàn bà điên biết nói tiếng Tây ở quê tôi. Ông là người tận mắt chứng kiến cái chết đẹp của Cu Đồ. Bấy giờ ông là lính pháo bảo vệ phà Bến Thủy, thuộc một khẩu đội đóng trên đỉnh núi Quyết. Trong một trận đánh trả quyết liệt oanh tạc cơ của Mỹ, không biết từ lúc nào, bà Cu Đồ đã lên tới đỉnh núi. Bà ta đứng thẳng người trên một tảng đá ngoài hầm pháo. Hai chân dạng ra, hai tay chỉa lên trời, bắn súng mồm pằng pằng liên tục. Một người lính nhào ra, kéo Cu Đồ vào hầm ẩn nấp. Nhưng ngay sau đó, Cu Đồ đã lại nhảy ra ngoài, dạng chân, chỉa cả hai tay lên trời mà bắn pằng pằng bằng miệng. Một mảnh bom quất vào bụng bà. Ruột đổ ra ngoài, nhưng Cu Đồ vẫn đứng thẳng hiên ngang mà bắn. Thêm một mảnh bom nữa. Cu Đồ gục xuống. Cái mấn màu nâu bị hơi bom thổi tung phần phật. Một trái rốc két phóng xuống, khói lửa trùm lên Cu Đồ phừng phực. Cái mấn bốc lửa như một bó đuốc.
Cu Đồ đã ra đi như thế.
Còn tôi, tôi biết rằng, suốt cả đời, tôi sẽ không bao giờ quên được bà Cu Đồ cháy mấn!

H.H.T.


sức mạnh báo chí

SỨC MẠNH BÁO CHÍ
hồ tĩnh tâm


Tết năm ngoái, vợ tôi lặn lội vô làng mua được con gà mái nòi. Tôi và hai đứa con, ai cũng phản đối chuyện mua gà trong mùa dịch. Dù vợ tôi ra sức chứng minh, đây là gà khỏe mạnh, được mua ở vùng không hề có dấu hiệu dịch bệnh, nhưng cả nhà vẫn không dám rớ tới nó. Bỏ thì thương vương thì tội. Nhà tôi ở trong hẻm phố, bỏ đi đâu được. Đành phải cột chân nuôi nhốt nó trong buồng tắm.
Mỗi ngày tôi phải hốt phân, dội nước hai ba lần, con bé mười tuổi vẫn ngán cái buồng tắm như sợ ma. Sau cùng tôi phải thịt, nấu cà ri bằng nước dừa cả hai tiếng đồng hồ. Tất nhiên tôi và bà xã phải ráng gồng mình lên mà ăn. Còn con nhỏ, dù dỗ ngọt đến mấy, nó vẫn khăng khăng: “Ba mẹ không chịu đọc Báo, nghe Đài hay sao mà dụ con”.
Sức mạnh báo chí quả là ghê thật!

Hồ Tĩnh Tâm


khổ bởi thần kê

KHỔ BỞI THẦN KÊ

Xóm Bàu có ông Ất, mê gà tới không thiết gì vợ con. Biết lão Hạ xóm Bún, có con thần linh ngũ sắc, đá độ chưa từng biết mùi chiến bại, ông Ất thèm tới mất ăn mất ngủ. Con gà đó, từ lâu đã không ai dám đá, với nữa tuổi nó cũng đã già, mình mẩy ê hề thương tích, có rước được về, cũng chẳng nước non biển sở gì. Nhưng thèm thì cứ thèm, cũng như người ta yêu là vì người ta yêu thế thôi.
Một hôm, ông Ất cụ bị chai áp sanh, với chục hột vịt lộn, mò tới nhà lão Hạ.
- Lão Hạ à, ra gốc xoài nhâm nhi mấy ly nghen! Đem luôn con ngũ sắc ra ngắm cho sướng.
- Bộ ông muốn đúc giống rặt nòi hay sao? Cứ ba hột lấy một, chịu thì ẵm luôn nó về.
Vậy là hai bậc trưởng kê bày binh bố trận, tâm đắc từng ly từng giọt, say oặt oẹo như bún trụng nước sôi.
Đến lúc ra về, ông Ất bợ con thần linh ngũ sắc trên tay, đi bước xà quần như Võ Tòng đả hổ. Qua cây cầu dừa, cứ gần tới bờ bên kia thì ông Ất lọt mương. Đáng lẽ lội lên mà về, ông Ất lại đáo vòng chỗ cũ. Năm lần bảy lượt, lần nào ông Ất cũng lọt mương, bùn sình dơ hầy cả quần lẫn áo. Duy chỉ con gà là không hề mảy may dính nước, cứ nằm gọn trong lòng ông Ất tục tục gọi mái.
Lão Hạ đứng trên bờ, nhe răng cười xởi lởi:
- Thôi, để nhắn con Tím đưa con mái nòi tới đây. Tôi đón dâu gà còn hơn ông bắt rễ. Trong nhà còn ve rượu với mấy con bổi sặc rằn, nhậu luôn cho biết trời biết đất.
Nghe lủng lời vàng ý ngọc, ông Ất tung con gà lên cao.
Lập tức con thần kê bay bỗng lên bờ. Đập cánh gáy khào khào: Khó quá đi thôi! Khó quá đi thôi!

H.T.T.


CHO MẦY TỚI SỐ

Thằng Tý ẵm con gà tre điều đến nhà thằng Đực:
- Xổ bậy chơi mầy!
Đực cười tít mắt.
- Xổ chơi vài hiệp, được quá sao không.
Cu Tèo chạy ra xăng xái:
- Cho em cáp con nhạn ăn năm, tính bằng mười tờ vé số.
Trận kê hùng diễn ra lạch phạch góc vườn. Chuối nhạn tung đòn, quần kê đả tử. Tiếng là tre còi mà say đòn còn hơn nòi rặt. Không hề nhang nước, tính hiệp bóng nắng trong vườn. Độ dài gần hai bóng thằng Tèo dưới đất, vẫn chưa hạ hồi ăn thua thắng bại. Chợt thằng Tèo ré lên bãi hãi:
- Chết cha! Em còn nguyên tập vé số, mua giùm em anh Tý, anh Đực!
Đực và Tý ngẩn người, cùng lúc nhìn nhau mà nói:
- Mầy mê gà, cho mầy tới số!

H.T.T.

trộm trứng gà

Tiểu phẩm:

TRỘM TRỨNG GÀ

Hồ Tĩnh Tâm


Đá banh bị việt vị, người ta gọi là ăn trộm trứng gà. Nghĩa là cầu thủ đó lỏn xuống sau lưng hàng hậu vệ của người ta, hòng ăn mảnh, ăn trộm trái banh, đặng dễ dàng đưa vô lưới đối phương. Dân gian có câu: “Thứ nhất ăn trộm trứng gà, thứ nhì đánh rắm đi qua mặt người”. Ngẫm thấy buồn cười. Cái hột gà thì đáng bao tiền mà trộm, để rồi phải mang tiếng ăn cắp vặt. Đánh rắm qua mặt người cũng xấu hỗ lắm. Nhưng cầu thủ việt vị mà lập bàn, các “phan” tín đồ túc cầu, nhất nhất đều tha tội cho hết. Chỉ có ông trọng tài thiên vị, nhìn thấy mới đồng tình với họ, lờ đi; còn như gặp Bao đại nhân… chắc Triển Chiêu phải ra tay.
Xóm tôi từng có tay đạo chích, chuyên trộm gà. Nghe nói mỗi lần xuất chiêu, va xát hành cùng mình. Đồ lề chỉ có cái đãy vải, với thanh nang tre vót mỏng, tất tật cũng được xát hành nhớt nhợt. Giống gà tinh tướng vậy, đêm hôm ngửi thấy mùi hành, nhất loạt đều tưởng rắn hổ hành, nằm im thít, không dám cục cựa. Chừng y lòn thanh nang tre mềm oặt vào, gà tưởng rắn, lại càng nín thinh nín thít. Tha hồ mà ẵm từng con. Trộm gà không học trong sách, nhưng rõ ràng có học trong dân gian. Câu đi một bước đàng học một sàng khôn, nghe ra có lý lìm lịm lỗ tai.
Nghe đâu Tòa đại hình cổ xưa của Pháp, từng phải đưa vào thành điều luật, về quyền sở hữu tài sản, sau khi xử vụ án hột gà. Con gà nhà tôi đẻ trứng trong sân nhà anh, thì trứng đó thuộc về ai. Luật phải rõ ràng cụ thể. Đã xét trứng, tại sao không xét luôn con gà. Vậy mới có chuyện hàng xóm rải thóc, dụ gà láng giềng vào sân nhà mình giết thịt. Chẳng là ông Hội đã nói: con cá bơi dưới nước của ông Hội, thuộc ông Hội, nên con chim bay qua đất của ông Hội, cũng thuộc về ông Hội. Thành luật rồi thì cứ thế thi hành. Dân đen đã thấp cổ bé họng, lại thua về cái lý cổ xưa, vậy mà dám léo hánh dóng trống pháp đình. Ai người ta xử. Nhớ câu: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”.
Xưa có anh bị kiện chuyện mượn nồi đồng nấu cơm. Bởi nồi đồng nhà quan, mỗi ngày đẻ ra một nồi con, mỗi tuần nồi con lại đẻ ra nồi cháu, rồi nồi cháu đẻ ra nồi chắt. Mượn một nồi, trả một nồi, nghe ra vô lý quá. Phải nhờ thằng bé lý sự trước Tòa, rằng quan bắt dân đen phải cho mượn gà, mới được mượn nồi; nồi đẻ thì vô lý xưa nay, còn gà đẻ là chuyện bàn dân ai cũng biết; nồi đẻ từng cái, còn gà đẻ từng bầy; vậy cứ công bình mà xử. Đã là cán cân công lý, không thể bên bấc bên chì.
Làng tôi có bài chửi mất gà hay đáo để. Từng một thuở ai cũng thuộc làu làu như cháo chảy. “Gà nhà bà là giống công, giống phượng, đứa qủy tha ma bắt dám bắt gà bà, nó mổ mắt mày ra, mổ tim mày ra, nó mổ bà, mổ ông, mổ cả tằng tông tiên tổ. Ơi cái đứa chết đâm, chết bổ, mày nổ con ngươi, mày rơi con mắt, mắt thắt con tim, mày chìm xuống nước, không ngóc được đầu lên”… Chửi ngoa ngoắt lắm. Nhưng ăn thua là ở cách “diễn” chửi. Thuở ấy mấy bà mặc váy. Phải một tay vén tốc váy lên, còn một tay quơ quơ xỉa xói. Lại còn phải xổ tóc, lườm lườm con mắt, nguýt nguýt con ngươi… cong rướn cả người lên mà chửi. Chửi như diễn kịch. Ấy là chỉ mất một con gà thôi đấy, chứ mất hàng nghìn tỉ như bây giờ, tôi dám đâm đầu xuống đất mà thề, người ta còn chửi sáng tạo hơn chán vạn lần. Nhưng mình chửi mình nghe. Chửi cho đã nư mà thôi. Chứ giá như có người nước ngoài, dừng xe lại hỏi, dứt khoát cả làng tôi, nhớn bé, già trẻ, ai cũng khôn khéo nói rằng: họ đang đóng trò thư giãn giữa giờ làm việc. Bởi đằng nào gà cũng toi rồi. Mà vật chất thì có mất đi đâu. Chẳng qua là chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ túi người này qua túi người khác. Gà thì người ta thịt, chứ tiền thì người ta còn rửa được cơ mà.
Võ cổ truyền có thế kim kê độc lập. Chắc lấy từ cách gà trống xù lông dang cánh, trụ vững gườm đối phương. Người Pháp tự hào về giống gà trống “Gô Loa” của họ. Nhưng trẻ con làng tôi, đứa nào cũng biết, gà trống chỉ hung hăng cắn đá đồng loại, còn khi nhác thấy bóng diều hâu trên trời, mười con như một, con nào cũng cụp đuôi, lủi vô bờ rào chạy trốn. Chỉ có gà mái là xòe cánh, nghểnh đầu chờ đối thủ. Thiên chức làm mẹ cháy bùng thành sức mạnh. Trong đàn con của nó, biết đâu có cả con của kẻ khác. Dân gian đã nói: “Mẹ gà con vịt chắt chiu, đến khi nó lớn nó dìu nhau đi”. Nhưng đó là chuyện sau này, chấp nhất mà làm gì. Còn lúc nguy khốn, dưới đôi cánh của nó, hết thảy đều là con trẻ. Lòng bao dung của con mái bao la là thế. Ai nỡ đang tâm cướp con của nó đi cho được.
Trở lại chuyện trộm trứng gà, tự dưng tôi suy, chữ đạo chích là từ chuột mà ra. Dân ta thường gọi chuột chích. Vợ chồng chuột chích vẫn đưa nhau đi trộm trứng gà. Chuột vợ leo lên ổ, xòe bốn chân quắp lấy quả trứng, rồi lăn bịch xuống đất. Chuột chồng cứ thế cắn đuôi vợ, ì ạch lôi về hang. Trộm cắp cũng phải có đồng loại mới thực hiện được. Theo đó, mỗi chuyện thâm thủng trong kho Nhà nước, tất không thể quy tội cho một người; dứt khoát phải có ai tòng phạm chứ.
Nhưng mà, đạo chích thì… bao giờ cũng khôn như chuột. Dễ gì bắt được!
Gà ơi, mi phải coi chừng!

H.T.T.