Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

trộm trứng gà

Tiểu phẩm:

TRỘM TRỨNG GÀ

Hồ Tĩnh Tâm


Đá banh bị việt vị, người ta gọi là ăn trộm trứng gà. Nghĩa là cầu thủ đó lỏn xuống sau lưng hàng hậu vệ của người ta, hòng ăn mảnh, ăn trộm trái banh, đặng dễ dàng đưa vô lưới đối phương. Dân gian có câu: “Thứ nhất ăn trộm trứng gà, thứ nhì đánh rắm đi qua mặt người”. Ngẫm thấy buồn cười. Cái hột gà thì đáng bao tiền mà trộm, để rồi phải mang tiếng ăn cắp vặt. Đánh rắm qua mặt người cũng xấu hỗ lắm. Nhưng cầu thủ việt vị mà lập bàn, các “phan” tín đồ túc cầu, nhất nhất đều tha tội cho hết. Chỉ có ông trọng tài thiên vị, nhìn thấy mới đồng tình với họ, lờ đi; còn như gặp Bao đại nhân… chắc Triển Chiêu phải ra tay.
Xóm tôi từng có tay đạo chích, chuyên trộm gà. Nghe nói mỗi lần xuất chiêu, va xát hành cùng mình. Đồ lề chỉ có cái đãy vải, với thanh nang tre vót mỏng, tất tật cũng được xát hành nhớt nhợt. Giống gà tinh tướng vậy, đêm hôm ngửi thấy mùi hành, nhất loạt đều tưởng rắn hổ hành, nằm im thít, không dám cục cựa. Chừng y lòn thanh nang tre mềm oặt vào, gà tưởng rắn, lại càng nín thinh nín thít. Tha hồ mà ẵm từng con. Trộm gà không học trong sách, nhưng rõ ràng có học trong dân gian. Câu đi một bước đàng học một sàng khôn, nghe ra có lý lìm lịm lỗ tai.
Nghe đâu Tòa đại hình cổ xưa của Pháp, từng phải đưa vào thành điều luật, về quyền sở hữu tài sản, sau khi xử vụ án hột gà. Con gà nhà tôi đẻ trứng trong sân nhà anh, thì trứng đó thuộc về ai. Luật phải rõ ràng cụ thể. Đã xét trứng, tại sao không xét luôn con gà. Vậy mới có chuyện hàng xóm rải thóc, dụ gà láng giềng vào sân nhà mình giết thịt. Chẳng là ông Hội đã nói: con cá bơi dưới nước của ông Hội, thuộc ông Hội, nên con chim bay qua đất của ông Hội, cũng thuộc về ông Hội. Thành luật rồi thì cứ thế thi hành. Dân đen đã thấp cổ bé họng, lại thua về cái lý cổ xưa, vậy mà dám léo hánh dóng trống pháp đình. Ai người ta xử. Nhớ câu: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”.
Xưa có anh bị kiện chuyện mượn nồi đồng nấu cơm. Bởi nồi đồng nhà quan, mỗi ngày đẻ ra một nồi con, mỗi tuần nồi con lại đẻ ra nồi cháu, rồi nồi cháu đẻ ra nồi chắt. Mượn một nồi, trả một nồi, nghe ra vô lý quá. Phải nhờ thằng bé lý sự trước Tòa, rằng quan bắt dân đen phải cho mượn gà, mới được mượn nồi; nồi đẻ thì vô lý xưa nay, còn gà đẻ là chuyện bàn dân ai cũng biết; nồi đẻ từng cái, còn gà đẻ từng bầy; vậy cứ công bình mà xử. Đã là cán cân công lý, không thể bên bấc bên chì.
Làng tôi có bài chửi mất gà hay đáo để. Từng một thuở ai cũng thuộc làu làu như cháo chảy. “Gà nhà bà là giống công, giống phượng, đứa qủy tha ma bắt dám bắt gà bà, nó mổ mắt mày ra, mổ tim mày ra, nó mổ bà, mổ ông, mổ cả tằng tông tiên tổ. Ơi cái đứa chết đâm, chết bổ, mày nổ con ngươi, mày rơi con mắt, mắt thắt con tim, mày chìm xuống nước, không ngóc được đầu lên”… Chửi ngoa ngoắt lắm. Nhưng ăn thua là ở cách “diễn” chửi. Thuở ấy mấy bà mặc váy. Phải một tay vén tốc váy lên, còn một tay quơ quơ xỉa xói. Lại còn phải xổ tóc, lườm lườm con mắt, nguýt nguýt con ngươi… cong rướn cả người lên mà chửi. Chửi như diễn kịch. Ấy là chỉ mất một con gà thôi đấy, chứ mất hàng nghìn tỉ như bây giờ, tôi dám đâm đầu xuống đất mà thề, người ta còn chửi sáng tạo hơn chán vạn lần. Nhưng mình chửi mình nghe. Chửi cho đã nư mà thôi. Chứ giá như có người nước ngoài, dừng xe lại hỏi, dứt khoát cả làng tôi, nhớn bé, già trẻ, ai cũng khôn khéo nói rằng: họ đang đóng trò thư giãn giữa giờ làm việc. Bởi đằng nào gà cũng toi rồi. Mà vật chất thì có mất đi đâu. Chẳng qua là chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ túi người này qua túi người khác. Gà thì người ta thịt, chứ tiền thì người ta còn rửa được cơ mà.
Võ cổ truyền có thế kim kê độc lập. Chắc lấy từ cách gà trống xù lông dang cánh, trụ vững gườm đối phương. Người Pháp tự hào về giống gà trống “Gô Loa” của họ. Nhưng trẻ con làng tôi, đứa nào cũng biết, gà trống chỉ hung hăng cắn đá đồng loại, còn khi nhác thấy bóng diều hâu trên trời, mười con như một, con nào cũng cụp đuôi, lủi vô bờ rào chạy trốn. Chỉ có gà mái là xòe cánh, nghểnh đầu chờ đối thủ. Thiên chức làm mẹ cháy bùng thành sức mạnh. Trong đàn con của nó, biết đâu có cả con của kẻ khác. Dân gian đã nói: “Mẹ gà con vịt chắt chiu, đến khi nó lớn nó dìu nhau đi”. Nhưng đó là chuyện sau này, chấp nhất mà làm gì. Còn lúc nguy khốn, dưới đôi cánh của nó, hết thảy đều là con trẻ. Lòng bao dung của con mái bao la là thế. Ai nỡ đang tâm cướp con của nó đi cho được.
Trở lại chuyện trộm trứng gà, tự dưng tôi suy, chữ đạo chích là từ chuột mà ra. Dân ta thường gọi chuột chích. Vợ chồng chuột chích vẫn đưa nhau đi trộm trứng gà. Chuột vợ leo lên ổ, xòe bốn chân quắp lấy quả trứng, rồi lăn bịch xuống đất. Chuột chồng cứ thế cắn đuôi vợ, ì ạch lôi về hang. Trộm cắp cũng phải có đồng loại mới thực hiện được. Theo đó, mỗi chuyện thâm thủng trong kho Nhà nước, tất không thể quy tội cho một người; dứt khoát phải có ai tòng phạm chứ.
Nhưng mà, đạo chích thì… bao giờ cũng khôn như chuột. Dễ gì bắt được!
Gà ơi, mi phải coi chừng!

H.T.T.

Không có nhận xét nào: