Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

hoài niệm mưa

HOÀI NIỆM MƯA
Hồ Tĩnh Tâm


Những ngày mưa rả rích bao giờ cũng là những ngày dài thậm thượt, sũng ướt và u ẩn một điều gì đó. Hẻm phố vốn đã nhỏ, giờ nước ngập linh láng càng trở nên chật hẹp. Người lối phố sùm sụp áo mưa, ai ra đường cũng như tất bật, vội vả và gương mặt cứ như căng lên một nỗi lo lắng gì đó. Với mẹ tôi, đó là nỗi lo nhà dột, nhà ngập nước. Tôi thương mẹ, càng thương dì Bảy ở dưới quê, ngôi nhà cất thèo lãnh, heo hút mị giữa đồng xa. Từ trong làng ra nhà dì chỉ có một con đường đất, mưa dầm như vầy, chắc chắn con đường đã nhảo ra thành một thứ bột đặc quánh, khó bề mà đi lại. Ấy vậy mà từ hai hôm nay, trời từ mưa đã chuyển sang bão. Gió cấp sáu, cấp bảy, có khi giật mạnh lên thành cấp tám, kèm theo lốc xoáy. Ngôi nhà lợp lá dừa nước của dì, biết có đứng vững được không. Vậy mà dì đùm dúm lít nhít tới bốn đứa con đang tuổi ăn học trường làng. Thương mẹ bao nhiêu tôi càng thương dì Bảy bấy nhiêu.
Cách đây vài năm, khi còn học cấp ba, tôi vẫn thường xuống thăm gia đình dì Bảy. Gặp lúc trời mưa không ra ruộng được, dì Bảy thường cụm rụm xay bột đổ bánh xèo. Lửa bếp hừng hực, rưng rưng cháy thành ngọn. Chái bếp nhỏ như bụm tay trở nên ấm áp dường nào. Bấy giờ tôi ngồi khoanh tay nhìn ra khoảng sân trống với biết bao cảm xúc rạo rực của tuổi mới lớn, miệng khe khẽ hát một giai điệu quen thuộc: “mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cổ”. Mưa dầm với tôi lúc ấy là những kỷ niệm êm đềm và ấm áp. Ngay cả với nhà tôi cũng vậy. Mưa dầm thường làm cho quán tạp hóa ế khách, để cửa thì mưa tạt, mẹ tôi quyết định đóng cửa, lui vào phòng khách bật ti vi lên, mẹ con ngồi tựa sa lông xem một chương trình gì đó. Lâu lâu có ai tạt vào gọi mua một món hàng gì, tôi thường nhanh nhẩu chạy ra bán giùm cho mẹ. Bao giờ khách cũng nhoẻn cười, gật đầu cám ơn tôi; là bởi họ nghĩ trời mưa, tôi vẫn thông cảm bán hàng cho họ.
Giờ thì tôi hiểu, trời rả rích mưa dầm lê thê ngày này ngày khác là cả một nỗi khổ. Quầy vé số của chú Sáu không bán được. Mấy đứa con của chú đi bán vé số dạo cũng không bán được. Xe nước mía của thím Ba trùm vải bạt sùm sụp. Dượng Tám bán sữa đậu nành ngồi thu lu nơi hàng ba, chẳng có việc gì ngoài việc mở tờ báo ra đọc. Mấy tay thanh niên vác thuê vật liệu xây dựng, không có việc, túm tụm nhau mua khô cá đuối về ngồi nhậu. Xóm phố chảy nhảo ra sự ế ẩm tới mốc meo trong từng câu chuyện phiếm.
Mưa đã vậy. Bão lại càng khổ hơn. Gió giật ầm ầm, sở nhà đèn đành phải cúp điện. Quán gội đầu của cô Thắm phải đóng cửa. Tiệm hàn cửa sắt của ông Sìn phải cho công nhân nghỉ việc. Nhà nhà đóng cửa túm húm. Gió giật mái tôn đập rầm rầm. Sập tối mở đài bán dẫn, nghe bản tin nói rằng, cơn lốc lúc ba giờ chiều đã làm năm căn nhà ở phường 8 bị tốc mái, hai cây còng trên đường chạy ra cầu Đá bị đổ, con đường trước cổng ủy ban bị ngập nước, làm cho hàng chục xe hon đa bị chết máy. Ngôi nhà lay lất của dì Bảy ở dưới quê không biết có trụ vững được không? Lúa má chất trong nhà chẳng biết sẽ ra làm sao? Mà trời thì vẫn mưa, vẫn mưa, chẳng biết tới bao giờ mới cầm lại được.
Khổ nhất là trong những cơn giông lớn, nhà đèn thường phải cúp điện, nhà cửa phố xá chìm trong bóng tối, chìm trong sự lo lắng, bồn chồn biết bao giờ có điện trở lại. Có khi ngày hôm sau người ta vẫn còn phải cúp điện để gia cố cột đèn và đường dây. Đã vài lần điện bị cắt đột ngột mà tôi quên không tắt các phương tiện sử dụng điện, quá nửa đêm giật mình thức giấc, thấy đèn sáng chói cả mắt, không thể ngủ lại được. Vì sao thức dậy ư? Vì đang ngủ nghe tiếng nước sôi trong bình thủy điện. May mà biết được, chứ không thì cái bình thủy gần triệu bạc đã phải ra nghĩa địa. Đã có lần đứa con gái tí nị của tôi vắt cái áo của nó lên cái quạt không quay vì cúp điện, lúc có điện trở lại, một ồng tay áo đã làm cánh quạt bị kẹt không quay được. Tốn mấy chục ngàn quấn lại mô tơ là chuyện nhỏ, còn lỡ như mình không biết, cái quạt làm cháy áo rồi bắt lửa sang thứ khác, cơ sự sẽ chẳng biết đâu mà lường.
Tội nhất là học sinh phải đến trường trong mưa xiên gió tạt. Trò tiểu học nhỏ như dái khoai, đứa nào cũng phải xắn quần, vén váy, lội nước bì bọp. Cái cặp to đùng như ba lô sau lưng, khiến tấm áo mưa hai ngàn đồng căng ra, rách bục vì gió quất, quần áo ướt sũng, dính bết vào da thịt. Đứa nào đứa nấy da xanh tái, môi xám xịt, mắt ướt rượt nỗi buồn. Trò trung học cơ sở có lớn hơn, nhưng khốn khổ bởi áo dài phải buộc túm thắt lưng, quần xắn cao quá gối, hai tay ôm thu lu cái cặp vào lòng. Từ trong ngọn ra tới đây, chúng đã phải lội dài trong nước ngập, bùn sình, áo quần nhăn nhúm, vấy bẩn. Cơ chừng đi học trễ là điều không tránh được.
Ngôi trường tiểu học gần nhà tôi, tôi biết, sân trường nước ngập nửa ống quyển, giờ ra chơi, trò cứa phải dúm dụm trên các hành lang chật hẹp; trò vui duy nhất là ngửa bàn tay hứng từng dòng nước xối xuống òng ọc từ nóc nhà. Trường ở đây còn thế. Trường ở các vùng quê ngập lũ,còn vất vả ngần nào!
Mùa mưa là thế đấy!
Biết bao vui buồn cứ đan chặt vào nhau; nhưng đó chính là kỷ niệm!

H.T.T.
Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long
0913.648732


Không có nhận xét nào: