Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

hai mẩu chuyện gà

HAI MẨU CHUYỆN GÀ
Hồ Tĩnh Tâm


1. Năm 1967, từ Thanh Chương, gia đình tôi ra Thanh Hóa, lên sơ tán trên Thạch Bình- Thạch Thành. Cơ quan cất cho cái nhà sát mé ruộng, thành ra mẹ chỉ huy mấy anh em chúng tôi nuôi cả gà, cả ngỗng, cả ngan. Nhưng nhiều nhất vẫn là gà. Bấy giờ đoàn xã có tổ chức cho đội thiếu niên thành lập Hợp tác xã Măng non. Nghĩa là hàng tháng chúng tôi phải đóng góp cho HTX mấy chục ký phân chuồng, phân xanh, sáu tháng phải đóng một con gà.
Thằng em kế của tôi xin riêng một cặp trống mái. Nó nói, gà con do con mái sinh ra sẽ là của nó. Đó là con mái đầu nhỏ, lưng to, bụng sa, rất mắn đẻ. Ngay lứa đầu tiên, nó đã có một bầy gà con tíu tít hơn hai chục con. Nó tuyên bố, nuôi lớn sẽ đem úy lạo hết cho khẩu đội cao xạ pháo bên kia đồi. Bầy gà đang lớn sơn sởn, không hiểu sao cứ mỗi đêm lại vài con lăn ra chết. Sau này tôi mới biết, gà của nó nuôi riêng bị chuột vào cắn. Tuy vậy vẫn còn một con lớn lên, nặng trên hai cân. Nó ẵm con gà đó đi tặng bộ đội như đã hứa.
Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin nó được giải thơ thiếu nhi, báo Thiếu niên Tiền phong. Đó là bài thơ năm chữ khá dài, kể chuyện nó nuôi gà, bị rốc két bắn chết, chỉ sót lại một con què chân. Con gà đó nó đem tặng bộ đội cao xạ pháo, người đã cứu con gà sống sót.
Rõ ràng là nó bịa, chứ gà có bị rốc két bắn hồi nào. Chỉ ở đập nước xã bên mới bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá. Bịa mà được giải thưởng. Kể ra nó cũng láu ra phết.


2. Năm 1981, tôi dạy Văn ở trường Bổ túc Văn hóa Cán bộ tỉnh. Bấy giờ đang thời bao cấp, đời sống cán bộ, giáo viên, công nhân viên rất khó khăn. Đúng lúc đó, ông cậu tôi từ Ninh Bình vào thăm.
Lương chưa lĩnh, tiền thì không còn, tôi đành phải giết con gà mái duy nhất sống sót sau trận dịch, đang ấp trên ổ. Con gà này đã ấp hơn chục lứa, sợ nó dai, tôi phải chặt khúc hầm với đu đủ. Chế biến không giống ai, nên vợ tôi tỏ ra không hài lòng, bỏ đi làm món nộm đu đủ với đậu phộng và rau răm.
Nấu nướng xong xuôi, tôi gọi thêm mấy tay láng giềng qua chơi. Dù món gà đã hầm cả tiếng, thịt vẫn dai nhanh nhách. Tất nhiên cậu tôi lớn tuổi, răng cỏ lung lay, không thể nào ăn nổi.
Giữa thời khó khăn mà có thịt gà đãi cậu là qúy lắm, nên tôi vô tình không để ý thấy ông cậu chỉ ăn món gỏi chay. May mà vợ tôi từ dưới bếp bưng lên cả một chậu thau mũ trứng gà luộc. Tôi hỏi, sao không để ủ nóng bằng bóng đèn cho trứng nở mà nuôi. Vợ tôi cười: điện cúp chớp mỗi ngày, ấp bóng đèn thế nào được.
Bây giờ thời đại gà công nghiệp, nghĩ lại chuyện ấy thấy mắc cười. Bạn bè lâu lâu rủ nhau đi lẩu gà nòi, là họ ngán cái món gà công nghiệp vừa nhảo vừa mềm. Chẳng lẽ tôi làm phép kéo lịch sử ngược trở lại.

H.H.T.

1 nhận xét:

Hồ Tĩnh Tâm nói...

Tôi và thầy Hoàng Dân ở cùng phòng tại ngôi nhà kiểu biệt thự dưới lưng chừng đồi, gần sát với Hồ Đại Lải. Thầy Dân là Chủ nhiệm Khoa Nhạc - Họa Trường CĐSP Hà Nội, nên thầy thường về nhà hơn là ở Trại. Tuy nhiên những lần thầy lên Trại và ở lại, bao giờ cũng có quà cho tôi. Đó là trà móc câu, cà phê hòa tan, các loại bánh và trái cây. Những lần như vậy, anh em chúng tôi vẫn đàm đạo văn chương và đọc tác phẩm cho nhau nghe.

Tôi không ngờ là thầy Dân lại có nhiều giải thưởng truyện ngắn và có nhiều thơ hay như vậy. Sống với thầy cọng lại không đủ 6 ngày, nhưng chừng đó cũng đủ để anh em chúng tôi kết model với nhau. Và từ tình cảm ấy, tôi đã sử dụng thơ của thầy, hoàn cảnh của thầy và hoàn cảnh của tôi - hai giáo viên sư phạm cao đẳng từng là lính chiến - viết "Một khoảng không cuộc đời". Truyện này tôi không gởi in trong tuyển tập của NXB Giáo dục sau khi kết thúc Trại, mà cất để dành trong kho tư liệu cá nhân, rồi post lên blogs như là một món quà nhỏ, kỷ niệm với thầy Hoàng Dân.

HTT