CON CÀ CON KÊ
Hồ Tĩnh Tâm
Hồ Tĩnh Tâm
Dân gian có câu: cà kê dê ngỗng. Nghĩa là nói dông nói dài, không đâu vào đâu. Vậy cho nên mới sanh tật: con gà cục tác lá chanh. Ơi là gà ơi, chưa thoát nạn TypA H5N1, lại kêu chết cho mình trên bàn tiệc ông thiên lôi! Tội lắm!
Gà có gà gô, gà lôi, gà rừng, gà ri, gà dầu, gà Tàu, gà nòi, gà tre… Suốt dọc dài nước Việt, đã không kể hết tên tuổi họ nhà gà, huống hồ gà trên mặt đất. Dân xứ tôi gọi gà theo lông, theo dạng. Có gà mặt chữ điền bặm trợn, gà mặt nguyệt thanh tú; rồi thì gà Ô, gà Điều, gà Xám, gà Nhạn, gà Chuối, gà Ngũ Sắc. Đủ cả các mạng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Nhạn ăn Xám. Xám ăn Ó. Ó ăn Ô. Ô ăn Điều. Điều ăn Nhạn. Họ tính mạng ngũ hành theo lịch mặt trăng. Duy gà ngũ sắc là không kỵ mạng gà nào.
Nhân chuyện cà kê dê ngỗng, xin kể ra đây mấy chuyện gà, đặng hầu ba ngày rảnh rỗi.
GÀ CẦU BÀ ĐIỀU
Chắc nhiều người từng nghe câu ca dao dân dã:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Nhạc sĩ Vũ Loan không đồng ý với câu này. Anh cải chính: “trai nào sang bằng trai Cao Lãnh”, chứ gà Cao Lãnh thì đã mất danh từ lâu. Nhà văn Phạm Trung Khâu lại cười mà rằng, gà nòi Cao Lãnh, tiếng vậy chớ sợ vía giống gà Tàu mồng lớn. Trong nghệ thuật đá gà, gà mồng lớn, cựa sừng trâu, cựa xuôi, vảy xệch là gà bỏ. Ai ở thị xã Vĩnh Long mà không biết, gà cầu Bà Điều mới là gà chiến.
Cầu Bà Điều trước đây ở phường một, nằm trên đường từ rạp chiếu bóng Lê Thanh ra cầu Cái Cá. Nay cầu này không còn, nhưng danh gà nòi cầu Bà Điều thì người đời vẫn truyền tụng. Nổi danh hơn cả là thầy Nghĩa. Nghe nói thầy Nghĩa luôn có gà dữ, gà thần linh, ít ai dám cáp độ, cho dù con gà có bằng chang, bằng chạn.
Người ta đồn đãi, gà cầu Bà Điều chủ yếu là gà hình giọt mưa, lưng xuôi, có cú xạ song đao hồ chớp giật. Mới đầu người ta đá gà cựa. Mỗi trận kê hùng kéo dài vài mươi hiệp nhang, nước. Sau cảnh sát ông Thiệu bắt bớ dữ dằn, đám đệ tử thần kê chuyển sang đá chồng cựa sắt. Năm ăn năm thua nhờ vào may rủi, đâu còn biết gà dở, gà hay. Danh tiếng gà cầu Bà Điều mai một dần đi.
ĐÚC GÀ CHIẾN NÒI
“Chó giống cha, gà giống mẹ”. Trong nghề đúc gà, con mái nòi là cực kỳ quan trọng. Những năm 80, tôi sống ở Trường Công – Nông, có con mái nòi giống Trà Cú, sắc lông xanh đen, dữ đòn dễ sợ. Tôi đã tận mắt thấy nó nghênh nhau với rắn hổ đất. Con rắn to cỡ ký rưởi, ngóc đầu cao gần hai gang tay, quơ qua quơ lại. Con gà trụ chân đứng tấn, xòe cánh, gườm con rắn rất oai dũng. Tôi dùng cây phang chết rắn. Con mái nòi liền nhảy xổ vào, mổ đầu rắn lia lịa. Lần khác tôi thấy nó đá với diều hâu. Con kê con điểu quần nhau, bụi bay mờ mịt. Rõ nó là giống gà dữ. Ông Hai Bia ở Phước Hậu, hầu như ngày nào cũng đến gạ tôi bán cho ổng, đổi cho ổng. Là bởi Hai Bia đúc gà có tiếng.
Muốn đúc gà rặt nòi, còn phải biết lựa con trống từ hai ba tuổi trở lên, từng thắng vài dăm độ. Mà cũng không nên cho mái ấp nhiều trứng quá. Mái nòi nuôi con dở ẹc. Nhiều khi nó lẩn thẩn đi một đằng, bỏ con đi một nẻo. Chú Mười Sông Đốc nói, dân Cà Mau, có người để ổ gà ấp trên miệng lu, trong lu nuôi rắn hổ, đặng lấy hơi nọc độc rắn khè, hy vọng đúc ra gà dữ, gà linh.
Gà đúc xong còn phải tuyển. Con nào mắt sâu, tròng con ngươi lanh lợi, bước đi như bốc cát tung ra, cẳng chân vuông vức, vảy no đều, cựa Đao Độc, hai màu khác nhau như nhật nguyệt, đuôi dài chắc, hẳn là giống linh kê, ngàn con mới có một. Lừng danh trường gà, có lẽ không gì khác ngoài gà Tử Mị. Giống gà thần thiêng này, khi ngũ dưới đất thì xòe cánh, xoãi chân, cổ rướn dài phía trước, dáng hệt như gà chết. Lưỡi nó thụt sâu, hơi thở hôi thối, giọng tục mái, giọng gáy nghe khào khào. Khi xung trận, ngón đòn đá hất vĩa tối, vĩa sáng, thường làm rách cổ, lủng bầu diều địch thủ. Ngón tạt mé của nó, lợi hại tới bể mặt, đui tròng đối phương. Cú xạ song đao của gà Tử Mị, không ai là không phục. Nếu gà này có vảy Án Thiên, cựa Đao Dựng, hẳn là vô giá, khó ai chịu nhượng cho ai.
Trong nghề đúc gà, kỵ nhất là “trống tơ cản mái”, với gà cận huyết với nhau. Người sành điệu, có khi cho gà xứ mình nhảy với gà rừng, hay với gà Phi Luật Tân, gà Ấn, gà Mã Lai… Nghĩa là càng khác máu tanh lòng càng tốt. Dân đúc gà thiện nghệ, không ai ngu hé lộ lai lịch con mái, con trống của mình.
DƯỠNG GÀ NHƯ DƯỠNG TÂM DƯỠNG TÍNH
Thú đá gà cũng như thú chọi trâu, thú đá chim, đá cá, thú tạo dáng bông sai, thú tạo hòn non bộ, công phu không biết tới ngần nào.
Dầm chân, om bóp, vô nghệ, vô nước, quần sương, chạy lồng, xổ gà, chồng cựa, hay cho uống nước khuya, ngón nào cũng phải rành rẽ thành bí quyết gia truyền. Người dưỡng gà, luyện gà có tâm có tính, bao giờ cũng ẳm con gà trên tay, đặng cho đầu gà luôn hướng về phía trước. Cái thú của người theo nghệ thuật đá gà, là được bồng ẳm đứa con cưng của mình, sờ mó nó mỗi ngày mỗi bữa.
Tôi thấy những người nuôi dưỡng gà nòi, yêu thương, săn sóc con gà còn hơn cả săn sóc con cái, cha mẹ của họ. Đêm đêm phải thức cho gà uống nước khuya, luyện cho cần cổ to ra. Hừng đông mỗi sáng, phải thả cho gà quần sương, luyện cho cú đập cánh bay lên mạnh mẽ. Khi con gà lâm trận, lỡ có bị đối phương làm bầm dập, phải vỗ hen bằng cách kề miệng hút máu bầm, hút nhớt rãi trong họng con gà. Rồi thì cuốc đất đào trùn, lùng bụi bắt bồ cào, châu chấu. Nội công phu dầm chân, vô nghệ hàng ngày, cũng đã khiến ta bái phục.
ĐÁ GÀ GÀ ĐÁ
Thực tình, đá gà là thú vui dân gian dân dã, đã truyền đời từ thời thượng cổ. Đá gà đòn mới biết gà hay gà dở, mới hiểu đặng công phu nuôi dưỡng con gà. Còn cáp độ ăn tiền, chồng thêm cựa sắt, ràng ràng là thói cờ bạc. Đã cờ bạc thì sanh tật ăn gian, ăn lận. Trăm mánh trong nghề, không còn là nghệ thuật ông bà để lại. Ngay cả những kẻ bắt ba, bắt bốn, bắt năm… ăn ké trường gà theo kiểu Triều Châu Cảo Hấu, cũng a dua thói cờ gian bạc lận, luật pháp phải thăm hỏi tận nơi cũng là lẽ thường tình.
Đá gà gà đá. Bài bạc thì có ngày mạt vận.
Ngày lành tàng tàng chén rượu, xin hầu mấy chuyện nhỏ về gà, nhưng ngõ hầu mong bàn dân nên nhớ:
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!
H.T.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét