Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

trên cao nguyên hoa đá

TRÊN CAO NGUYÊN HOA ĐÁ
Hồ Tĩnh Tâm


Theo sự giới thiệu của Hội Nhà Văn Việt Nam, đoàn thực tế sáng tác tại Mương Khương của chúng tôi có bốn người (Hồ Tĩnh Tâm, Song Hảo, Nguyễn Lập Em, Anh Đào), do nhà thơ Pờ Sảo Mìn làm hướng Đạo.
Đêm đầu tiên nghỉ tại thành Phố Lào Cai. Anh Ngọc Dương, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cùng nhà văn Đoàn Hữu Nam, và nhà thơ Ngô Hồng Thạo tiếp chúng tôi tại nhà hàng Sơn Hải. Trước mặt là hồ nước rộng mênh mông, còn sau lưng là núi cao xanh ngút màu cây mỡ. Hỏi mới biết, cây mỡ trồng vài chục năm, lõi của nó chính là gỗ vàng tâm- thứ gỗ làm say lòng người tới tận cùng ước muốn.
Sang hôm sau, anh Ngọc Dương cấp cho chúng tôi chiếc xe con để lên đường. Nhưng gầm xe thấp, không thể nào vượt được cung đường ngập ngụa bùn sình sau cơn mưa đêm để ra bản Trung. Vậy là đành phải quay trở về văn phòng Hội, tính cách đi xe khách lên Mường Khương. Anh Ngọc Dương điện lên văn phòng huyện ủy. Huyện nhắn cứ đợi đấy, huyện sẽ cho xe xuống rước. Nhưng chúng tôi nóng ruột lắm rồi, sẵn còn hai chuyến xe khách trong ngày thì việc gì phải đợi.
Có đi mới biết. Núi cao vực thẳm. Ngun ngút rừng mỡ trải dài vô tận. Dòng Nậm Thi uốn như dải lụa màu nâu đỏ. Bên kia biên giới, một đoàn tàu hàng của Trung Quốc chạy chầm chậm dọc theo triền chân núi. Thành phố Lào Cai đang vươn rộng ra, khỏe căng dáng núi. Không đầy tiếng đồng hồ, những ruộng lúa bậc thang đã hiện ra, óng ánh màu nước bạc. Rồi thì núi tiếp núi, sừng sững những tầm cao chất ngất. Vẫn chỉ những cánh rừng xanh màu cây mỡ. Bản Lầu, xã cửa ngõ của Mường Khương đã mở ra cao vun vút. Từ đây, những cánh rừng mỡ xanh tươi đã nhường chỗ cho những cánh rừng thông sa mu vốn yêu thích độ cao và khí lạnh.

HUYỀN THOẠI MƯNG KHẢN
Mưng Khản chính là tên cũ của Mường Khương. Mưng là Mường. Khản là gang là thép. Đất Mường Khương là đất gang thép, nhưng còn có tên gọi là đất chín rồng, bởi thế núi vây quanh Mưng Khản uốn như rồng bay phượng múa. Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng Mưng Khản, trung tâm của huyện, đẹp mịn màng như “vòm tời con gái”. Có lẽ vì vậy mà ở đây từ lâu đã có huyền tích núi Cô Tiên. Đó là một ngọn núi cao vút lên như chọc trời mà vẽ. Trên đỉnh có một ao nước trong veo trong vắt, nơi các tiên nữ vẫn giáng trần xuống tắm. Ngày nay ao nước vẫn còn đó, nhưng đỉnh núi đã mọc lên cột ăng ten thu phát sóng vi ba cho cả huyện. Xéo qua bên là núi Pháo Đài, nơi còn dấu tích một pháo đài do người Nhật xây dựng. Theo trục lộ chính đi ngược lên vài cây số sẽ gặp hang Hàm Rồng. Gọi hang Hàm Rồng bởi miệng hang tủa xuống những nhủ đá dài nhọn, chơm chởm như răng rồng. Hang rộng tới mức có thể chứa cả một trung đoàn quân tinh nhuệ.
Chiều xuống, thung lũng Mưng Khản nhuộm tím màu nắng lụa. Những đàn trâu đủng đỉnh từ núi xuống, thủng thẳng dắt bầy theo phố núi. Những chú ngựa thồ hàng, căm cắm trên đường về bản. Những ruộng lúa Séng Cù mơn xanh sức dậy thì. Mơn mỡn từng nương ngô nương đậu. Sự no ấm lan tỏa theo từng sợi gió. Rồi thì điện đèn bừng sáng. Phố núi đẹp tới ngỡ ngàng, choáng ngợp. Ai mà tin được điện đã vượt núi vượt rừng đi xa đến vậy, đến tận từng thôn bản mau như vậy. Đây mới chính là huyền thoại kỳ vĩ nhất của Mường Khương trong thời đại mới.
Chúng tôi đến thăm gia đình nhà thơ Pờ Sảo Mìn, tác giả bài thơ nổi tiếng “Cây 2000 lá”. Té ra đó là dự báo của anh về dân tộc Pa Dí. Nhà văn Đoàn Hữu Nam khi dẫn tôi ra cửa Khẩu Lào Cai, nói: “Dân tộc Pa Dí chỉ 2000 người mà sinh ra một nhà thơ như Pờ Sảo Mìn thì quả là không tưởng nổi”. Vâng, đúng là như vậy thật. Nhà văn Nguyễn Lập Em kể tôi nghe về thời Pờ Sảo Mìn xuống Hà Nội học trường viết văn Nguyễn Du. Đó là thuở hàn vi của cả thầy và trò. Vậy mà Pờ Sảo Mìn còn nách theo cả con mọn. Cha con rau cháo đùm túm với nhau. Nheo nhóc lửa củi, lửa khói bếp dầu. Lâu lâu chị Pờ từ trên núi xuống, cụ bị lủ khủ cá mắm, thịt khô, trứng gà trứng vịt. Đó là lúc Pờ Sảo Mìn vung tay ới bạn bè tới “ăn” một trận rượu ngô Mưng Khản, kèm một tiệc thơ bỏ túi, ào ào nắng gió ải biên cương thổi trong ngực mỗi người. Mà thơ Pờ thì… sắc lạnh như vách đá cao nguyên, đổ xối ào ào như thác nước Mang Leng. Cái nghèo rình rập, nhà thơ phải gieo sự giàu có vào câu chữ mà quên đi những đêm đông lạnh buốt. Thế rồi không biết bằng cách nào đó, nhà thơ Pa Dí cũng mua được vuông đất ở Cầu Giấy, dựng được cái tổ cho con cái yên tâm ăn học. Con trai con gái thành đạt cả. Cả nhà Pờ Sảo Mìn là tri thức. Ấy là huyền thọai chứ còn gì.
Nhớ cái hôm ở Pha Long, không hiểu ma sai qủy khiến thế nào, tôi hỏi bí thư xã Vàng Sẻo Hòa, rằng người H/Mông Pha Long có nhiều người học cao không. Pờ Sảo Mìn nhìn tôi như người mới từ cung trăng rớt xuống. Là bởi Pờ cho rằng, tôi chẳng hiểu gì về việc giáo viên lên cắm bản ở Pha Long đã từ lâu lắm rồi; ở Pha Long cứ ba người thì có một người đi học; ngay trong năm 2005 này, Pha Long có ba người H/Mông đang theo đại học, cao đẳng thì tới mấy người, không kịp nhớ tên mà kể ra. Ấy cũng là huyền thoại- mà là huyền thọai kỳ diệu của miền cao nguyên hoa đá. Tôi đã nghe anh Hoàng Đình Tập, người dân tộc Tày, hát bài “Người H/Mông có chữ”, rồi lại hát bài “Người H/Mông có điện”. Rồi tận mắt tôi nhìn thấy, không biết bao nhiêu cô gái váy áo hoa xòe, ngồi lướt ngón tay thoăn thoắt trên bàn phím máy vi tính. Khi tìm đến một Minilab mua phim, tôi gặp khá nhiều chàng trai, cô gái đủ các dân tộc đi chụp ảnh Hàn Quốc. Vậy mà bên vệ đường chợ phiên, người ta vẫn bày bán từng gùi ngô, từng lọn chè, từng túm củ mài. Chen vai với họ, tôi cũng hì hụp húp một tô phở chua, ăn một bát bánh đao. Rẻ lắm. Chỉ hai ngàn đồng là no cả buổi. Vậy mà ở vùng đất cao hơn ngàn thước so với mặt biển này, Pha Long đã có cả trường mẫu giáo, trạm xá có tới 14 giường bệnh, với 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 y tá và 1 hộ lý. Chênh vênh trên các triền núi cao sừng sững, ruộng bậc thang ngời ngợi nắng, lúa gặp mưa đã phún lên non nõn. Chủ tịch xã Thào Sẻo Chanh khoe, dân các bản Pha Long bây giờ không còn khát nước, bình quân lương thực đầu người đã đạt 360 kg gạo một năm. Vui nhất là trai gái chở nhau bằng xe honda về tận bản. Con ngựa vùng cao bây giờ đỡ khổ nhiều lắm. Cả con trâu, con bò cũng nhởn nhơ gặm nắng triền đồi.
Không phải thói quen, nhưng tôi cũng xin chép ra đây vài số liệu mà bí thư Vàng Sảo Hòa cung cấp. Diện tích đất tự nhiên của Pha Long là 2.713 ha. Trong đó có 430 ha đất nương, 105 ha lúa một vụ, còn lại là đất trồng rừng. Cả xã có 7 dân tộc, 80% là đồng bào H/Mông, chia làm 20 cụm dân cư với 14 thôn bản, 2.889 khẩu, 496 hộ. Từ có quyết định 135 của Chính phủ, Pha Long từng bước đổi đời, mức sống của người dân càng ngày càng được nâng cao. Đầu tư về nguồn nước ăn, mương thủy lợi, trường học, trạm xá được phát huy trông thấy. Xã có trường mầm non, trường tiểu học, trong đó 3 trường đã được kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia. 100% dân số phổ cập tiểu học; hiện Pha Long đang phấn đấu đến năm 2007 sẽ phổ cập trung học phổ thông. Điều đó chắc không khó gì, bởi khó như việc xóa cây thuốc phiện mà Pha Long còn làm được. Huyền thoại về Pha Long bừng sáng đang dần thành huyền thoại của thời đại, bởi bàn tay và khối óc người dân đang gieo tình yêu từng ngày từng giờ xuống miền cao nguyên hoa đá đầy tự hào của họ.

TRỜI CAO ĐẤT RỘNG TÌNH NGƯỜI MÊNH MÔNG
Suốt mấy ngày ở Mương Khương, anh Ngô Đức Vũ- trưởng Ban Tuyên Giáo huyện- lúc nào cũng tháp tùng dẫn đắt chúng tôi từng đường đi nước bước. Lúc ở đồn biên phòng 235, lúc ở đồn biên phòng 241. Lúc ở Mường Khương, lúc ở Vân Nam Trung Quốc. Lúc dầm chân bên thác nước Tà Lâm, lúc vuợt dốc chín quai dài hun hút. Lúc rưng rưng nắng lụa, lúc lãng đãng mây bay ngang thắt lưng mình. Đi tới đâu cũng nghe tiếng vó ngựa khua giòn vách núi. Và tên đất thì cứ rung lên nao dạ nao lòng. Nậm Cháy, Nấm Lư, Tung Chung Phố, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Sen, Tả Ngài Chồ, La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Gia Khâu, Pha Long, Dìn Chin… Hình bản đồ Mường Khương na ná như hình gấu mẹ nhìn sâu vào tổ quốc, khỏe căng lên sức vóc đang rằm.
Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy sông Xanh uốn lượn như dải lụa trong chan hòa nắng sớm. Cách đây hơn một năm, người dân đã thấy một con hổ ngồi bên sông Chảy giỡn nước. Dấu chân của nó trải dọc theo dòng sông, nơi có những cánh rừng tự nhiên ngút ngàn sắc lá. Anh Sền Chẩn Phủ, nắm tay tôi, nói như khẳng định: “Rừng mọc lên hổ nhất định sẽ về. Có cả gấu nữa đấy”. Tôi tin lời Chẩn Phủ. Bởi ngoài rừng tự nhiên, những cánh rừng sa mu cũng đang trùng trùng lớn dậy. Nhà Pờ Sảo Mìn tiếng là ít rừng, cũng có tới non năm ngàn cây sa mu 16 tuổi. Thời giá vào lúc này khoảng 160.000đ00 một cây. Dài thêm 15 năm nữa, giá mỗi cây lên vài triệu bạc. Bấy giờ Pờ là tỉ phú, chứ đâu còn là triệu phú như bây giờ; tha hồ mà làm thơ, ào ào như mây bay thác chảy. Gỗ sa mu mềm mà chắc, vân đẹp như mây lượn, lát sàn nhà mát rượi. Người Mường Khương khi xuôi tay nhắm mắt, ai cũng thích được nằm trong gỗ sa mu đất mẹ. Nhưng sa mu là giống thông ôn đới, chỉ thích nghi với những độ cao se sắt gió. Còn cây mỡ thì lại ưa những vùng đất thấp hơn.Và khi cây mỡ tới độ, lõi của nó chính là gỗ vàng tâm qúy như vàng ròng. Dọc theo sông Nậm Thi, con sông mang tên “sợi nước”, mỡ mọc trùng trùng như vô cùng vô tận. Đó là vô tận vô cùng giàu có mà con người đã và đang dệt thổ cẩm cho cao Nguyên Lào Cai đầy thơ mộng.
Đường lên Mường Khương là đường lên với độ cao trùng trùng núi dựng. Đường lượn ngoằn ngoèo như trăn như rắn, như những điệu sli kéo dài từng phiên chợ. Những bản nhà sàn trông hiền như thảo quả. Những bước chân đồng bào gùi nặng, xoãi như cắm vào đất chắc nịch. Đã có nhiều lời mời tôi tháng 10 lên ăn mừng lúa mới. Lúa Mường Khương nổi tiếng với gạo Séng Cù, dẻo như nếp, thơm như hương rừng, dẻo tới tận cùng từng hạt cơm thấm đượm mồ hôi lao động. Lúa chỉ trồng một vụ theo mưa nước của trời. Cứ sau vụ thu hoạch đậu tương thì bà con trồng lúa. Lúa và ngô tháng năm mọc xanh từng dốc núi. Qua tháng sáu, tháng bảy, khi mưa nhiều, thác Mang Leng sẽ chuyển mình, tung xõa từng bờm tóc nước, đẹp như thời con gái.
Chúng tôi đi ngang qua thác Mang Leng đến với chợ phiên Pha Long. Tiếng H/Mông, Pha Long là Hóa Lùng, có nghĩa là rồng to, chợ to. Phiên chợ Pha Long quả là to ngoài sức tưởng của tôi. Từ sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường, đã thấy ngừơi từ các thôn bản nối nhau về chợ. Họ đi thành đoàn cũng có, đi từng nhóm cũng có, đi từng người, từng cặp cũng có. Người gùi hàng. Ngựa cũng thồ hàng. Và lẽ đương nhiên, trong thời mở cửa, đồng bào mình còn xuống chợ cả bằng xe máy. Váy áo xúng xính. Những chiếc ô xòe ra như nấm trên đầu thiếu nữ. Có người chỉ dẫn theo một con lợn lông đen, nhinh nhỉn chừng năm sáu ký.
Chạm mắt tôi đầu tiên là bãi buộc ngựa. Hàng chục, hàng trăm con. Chúng đứng thành bãi. Có con nép bên vách núi. Im lặng như đang suy gẫm về phiên chợ của con người. Có cả trâu bò cũng được dẫn xuống chợ để bán. Còn thì ngô, gạo, dậu tương, lá thuốc và đủ thứ hàng họ của thời công nghiệp. Chợ họp hai bên đường. Chợ họp thành bãi ngoài vạt nắng óng ả. Chợ họp cả trong nhà lồng, lều trại. Người đông tới chóng mặt. Chen nhau mà vui, mà mua bán, bắt chuyện làm quen. Thích nhất là ngồi xổm xuống mà lựa hàng, mà ngã giá từng món một. Chỉ là cho vui chứ có đắt đỏ gì. Có ông lão người Dao quãy hai cái khèn đi bán. Ông lão lâu lâu dừng lại, thổi khàn khàn một điệu gì đấy. Trẻ con há mồm đứng nghe. Các cô gái che miệng cười khúc khích. Kỳ công tre nứa là vậy, giá chỉ phần tư triệu bạc. Ồn ào tiếng người H/Mông, người Tày, người Pu Déo, người Lô Lô, người Giáy, người Nùng… Thơm ngát tới mời mọc là những chảo tháng cố thịt ngựa, thịt trâu, thịt lợn, thịt gà.. Lìm lịm là thứ rượu ngô của miền biên cương phún hoa đá. Đàn bà đi lại mua bán nhộn nhịp. Đàn ông chỉ thích vào quán rượu. Cô vợ nào có chồng say khướt ra tới mức phải dìu về thì rất lấy làm tự hào với chúng bạn. Ấy là bởi chồng mình được người ta yêu thích mời rượu tới say gục quên cả đường về. Cả tuần quần quật trên nương trên rẫy, tới chợ phiên phải được một ngày phủ phê sung sướng. Chuyện bắt vợ đã lùi vào dĩ vãng, nhưng những mắt liếc dọc ngang thì vẫn còn sắc lắm. Pờ Sảo Mìn dạy tôi cách bấm ngón tay kéo gái. Lại còn dặn Anh Đào, lỡ ai tới bắt, nhớ vùng vẫy và la cho lớn, thế mới tỏ cái giá của mình. Việc bắt vợ càng khó, càng phải tỏ quyết tâm cho kỳ được. Nhưng bây giờ thanh niên họ bắt nhau bằng duyên nợ. Dài suốt những chợ tình mọc từ sáng qua trưa, tới xế chiều mới dứt. Nghe nói một bộ váy áo H/Mông sặc sở sắc màu thổ cẩm, mua từ Trung Quốc về tới Mường Khương, đã lời hai mươi ngàn bạc; đem tới Sơn La phải lãi tới năm chục ngàn. Việc đồng bào cõng hàng qua đường biên cũng là lẽ thường tình. Chả thế mà có người còn thuê cả xe ô tô để buôn hàng. Bởi vậy ở chợ phiên nào, cũng thấy tưng bừng hàng họ từ Trung Quốc. Giả như bạn có ý định muốn mua một món thịt thú rừng ăn cho biết, không dễ gì mà kiếm được. Năm 1993, ở Tả Thàng có người lỡ bắn chết một con gấu ngựa 80 ký, bí thư xã, bí thư huyện khóc đỏ mắt.
Huyền thoại Bắc Hà có rừng ong mịt trời cả trên cây, cả trong ruột đất đã chỉ còn trong sách. Người Mường Khương bây giờ muốn đi ăn ong phải vất vả hàng ngày trời tìm kiếm. Tốt hơn vẫn là nuôi lấy trong vườn nhà mình. Đất Mường Khương lúc nào không có hoa trên núi. Ong nuôi nhưng vẫn là mật rừng đấy chứ. Nhà bí thư Tạ Đình Bảng có tới mấy đỏ ong. Lại còn giống gà tre nhỏ như gà rừng. Lại còn cả mấy lồng cu, mấy chuồng chim câu xanh. Buổi chiều, chim én liệng từng đàn. Phố núi rợp trời én liệng. Người biết qúy rừng thì chim chóc cũng tụ về sinh sống. Đinh, lim, trai, nghiến một thời làm nên danh tiếng Mường Khương, giờ không còn nữa. Người Mường Khương thương xót rừng nên biết bảo ban nhau giữ từng cánh rừng trên vách núi. Đi tới đâu cũng thấy người dân ươm cây sa mu, cây mỡ. Từng cây từng cây, từng ngày từng ngày, rừng đã mọc xanh trong tâm thức của con người. Chương trình 135 của chính phủ, hỗ trợ cho mỗi ha rừng 1,5 triệu đồng; nhưng số tiền, số công sức người dân đổ ra cho rừng sống dậy còn nhiều hơn biết ngần nào. Bí thư huyện Tạ Đình Bảng kể cho tôi nghe việc anh đi săn lùng từng giống cây đem về trồng thử, thấy được mới dám chỉ cho dân trồng theo. Ngay như cả giống ngô cho người, giống cỏ cho bò, anh cũng phải lặn lội vào tận Đồng Nai tìm kiếm. Chuyện con ngựa, con trâu, con bò, con lợn… cũng là chuyện phải bạc đầu suy nghĩ. Nói gì chuyện mở con đường lên bản, kéo đường điện về thôn, khai mương dẫn nước, dựng trường, xây trạm xá.
Chúng tôi lên Mường Khương đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Phố huyện như muốn bùng vỡ trước sự đông đúc của bao nhiêu người kéo về. Hội thi thể thao, văn nghệ. Bóng chuyền, bóng đá ì đùng cả ngày. Tới bữa cơm, quán xá đầy ắp những người là người. Tháng cố kéo từng tô lớn. Rượu ngô kéo từng chai lớn. Chuyện trò kéo theo quyết tâm chiến thắng. Phừng phừng lửa rượu trên mặt người. Ai cũng thân nhau như ruột thịt tự bao đời.

CHÀO NHÉ MƯỜNG KHƯƠNG
Dùng dằng dúng dắng mãi, nhưng đằng nào rồi cũng phải về. Pờ Sảo Mìn sẻ tám lít rượu ngô cho bốn người. Đó là tinh hoa của cao nguyên, là thuốc của đồng bào dân tộc. Đem vào tận quê dừa cực Nam tổ quốc, giá lên đến ngần nào, không làm sao đong được.
Tàu lắc lư từ Lào Cai về Hà Nội. Hương sa mu quanh quẩn mãi bên người. Gặp nhà thơ Hữu Thỉnh, anh cứ nhất định bắt ở chơi một ngày. Hà Nội đang nghỉ lễ, nhưng dặm đường chúng tôi vẫn còn xa. Lỗi đạo cũng đành lòng, chứ biết làm sao được.
Đêm giật mình trên con tàu xuyên Việt, Song Hảo vén rèm cửa, hỏi Tây Bắc hướng nào. Lập Em chỏi tay trái trên giường tầng ngồi viết. Ngòi bút rung theo nhịp lắc con tàu, hay nhịp đập trái tim, ai mà biết. Anh Đào thả một lời vào gió: chưa chi mà đã nhớ Mường Khương.
Thôi thì đành…
Chào nhé Mường Khương!

H.T.T.

Không có nhận xét nào: