Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

thời gian và dòng chảy cuộc đời


THỜI GIAN VÀ DÒNG CHẢY CUỘC ĐỜI
Hồ Tĩnh Tâm


Cách đây hơn chục năm, tôi rất bực mình khi thường xuyên nhìn thấy có một sinh viên ngồi góc cuối của lớp hay ngủ gục. Đã nhiều lần tôi gọi anh ta bắt trả lời câu hỏi, với ý nghĩ phải trị cho anh chàng bê bối này một trận ra trò. Nhưng lần nào anh ta cũng trả lời trôi chảy, rồi thì anh ta vẫn chứng nào tật nấy, vẫn hay ngủ gà ngủ gật vào những tiết học cuối buổi.
Một hôm vào lớp không thấy anh ta, hỏi thì lớp trưởng cho biết, anh ta bị tai nạn giao thông lúc 2 giờ sáng, hiện đang cấp cứu ở bệnh viện. Bấy giờ tôi mới biết, chàng sinh viên lớp 12B hàng ngày vẫn chạy xe đạp ôm từ 11 giờ khuya tới sáng. Anh ta tên K, nhà ở lô hai phường 2, thị xã Vĩnh Long. Buổi chiều, tôi mua hộp sữa, ký đường vào thăm K. Bạn bè cùng lớp, cùng trường đến thăm K khá đông, đứng tràn cả ra hành lang. Ai cũng tỏ ra thương cảm việc K bị một chàng say rượu phóng honda đâm tới từ phía sau, làm gãy một lúc cả xương cẳng tay trái, xương cẳng chân trái, cùng với nhiều vết bầm dập khác trên người. Tôi không biết sinh viên tự dộng quyên góp được bao nhiêu cho K, nhưng tôi biết là số tiền cũng tương đối. Và khi tôi đang đứng bên giường bệnh, một nữ sinh lớp 12B đưa cho tôi gói tiền cột bằng dây thun vòng, ước phải vài trăm ngàn (thời điểm 1992). Cô nữ sinh nói, đó là tiền của một bà bán cá ngoài chợ, không chịu nói tên, gởi cho K điều trị thuốc thang. Tôi biết bà bán cá này đã nghe sinh viên kể về hoàn cảnh mồ côi cha của K, kể về việc hàng đêm K phải chạy xe đạp ôm kiếm tiền phụ mẹ nuôi ba đứa em nhỏ đang đi học. Trời ạ, đêm nào cũng phải chạy xe từ khuya tới sáng, làm sao K không thường ngủ gà ngủ gật trong lớp!

NHỮNG NỖI ĐỜI LÀM SAO CHIA XẺ
Trong hẻm 249 của tôi, một độ có ông lão hay ngồi bán nước đậu nành gần chân cầu vào trường tiểu học Lý Tự Trọng. Vợ tôi chiều nào cũng mua của ông lão vài bọc loại nước không có đường. Mua riết thành quen. Vợ tôi nói, nhà ông lão ở bên kia cầu, vợ chết từ lâu, để lại cho ông lão đứa con gái bại liệt, luôn phải ngồi một chỗ. Lúc trẻ ông lão đi vác cá mướn hàng đêm ngoài chợ cá phường 1. Về già, không còn đủ sức cõng những cần xé hàng chục ký từ dưới ghe lên bờ, ông lão xoay qua xay đậu nành nấu nước bán. Hai cha con sống nhờ vào số tiền còm cõi kiếm được mỗi ngày. Vậy mà chưa một ai nghe ông lão than vãn một lời về số phận.
Thế rồi ông lão qua đời. Tôi nghe tiếng trống đám ma điểm thùng thùng, cứ bâng khuâng không biết cô gái tật nguyền sẽ dựa vào đâu để sống. Ông tổ trưởng dân phố nói: “Đâu cũng vào đó thôi. Dòng đạo Cái Mơn có nhà nuôi dưỡng người già, người tàn tật tại trường Mẫu giáo Mai Linh. Còn tỉnh có Trung tâm bảo trợ xã hội gần cầu Hòa Lộc”. Biết vậy, nhưng tiếng trống đưa linh vẫn cứ gõ nhói trong tim tôi từng chập.
Cuộc đời rộng lắm. Tại Hội nghị báo cáo điển hình của phụ nữ Vĩnh Long, tôi không thể ngờ được, vào những năm 80 của thế kỷ trước, bằng đồng lương bao cấp, một nữ hộ sinh còn rất trẻ đã đứng ra nhận nuôi hai đứa trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi tại nhà bảo sanh phường 4. Đứa thứ nhất bị cha mẹ lén bỏ lại vào mùa lũ năm 79. Bấy giờ ở nhà bảo sanh phường, ai cũng có gia đình, có con, không ai dám liều lỉnh nuôi thêm một đứa bé giữa thời đói kém. Đến cha mẹ nó còn trẻ khỏe cũng nhẫn tâm bỏ nó. Vậy là cô gái đứng ra nhận nó làm con. Hàng ngày cô phải quậy đường vô nước cơm để bón cho đứa bé. Thỉnh thoảng mới mua được cho con hộp sữa. Bởi lẽ cô cán bộ bảo sanh này còn phải cưu mang một người mẹ già. Mẹ cô ngán ngẫm lắc đầu, thương cho con gái đang tuổi xuân thì mà tự dưng phải đứng ra làm mẹ, đàn ông ai người ta dám cưới. Vậy mà tới mùa lũ năm sau, lại có thêm một cặp vợ chồng bỏ con trốn viện. Biết làm sao. Thêm một lần nữa cô cán bộ bảo sanh lại nhận đứa bé về nhà. Và lại cảnh cháo trắng, cảnh nước cơm quậy đường. Mẹ cô thương con, phải nhận thêm lác của Hợp tác xã về xe thành sợi gia công; ban đêm cô gái phải nhờ bà trông chừng cháu, nhận thêm ca trực đặng kiêm tiền bồi dưỡng để nuôi con. Nhẫn nại và tằn tiện từng ngày từng tháng, cô gái bằng tấm chân tình của mình, lòng bao dung chở che của mình, đã nuôi cả hai đứa con lớn lên, ăn học nên người.
Những mãng đời như vậy nhiều lắm, kể mãi cũng không hết; nhưng nếu tôi không kể thêm chuyện này, âu cũng là còn mắc nợ với ngòi bút của mình. Đó là chuyện đứa con gái mắc bệnh tâm thần của một người chị cùng cơ quan, lớn hơn tôi chục tuổi. Chồng chị nguyên là bác sĩ bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, đột ngột ra đi sau một trận cầu đầy kịch tính. Khi tiền đạo đội bóng mà ông yêu thích đặt quả bóng vào chấm phạt đền, rồi lùi lại chạy lấy đà, không hiểu có phải căng thẳng trước hy vọng gỡ hòa được hay không, ông bỗng lăn ra bất tỉnh vì bể mạch máu làm xuất huyết não; rồi ra đi sau đó vài tiếng đồng hồ. Đó cũng là thời điểm đứa con gái lớn mười sáu tuổi của ông đeo bầu, sắp tới kỳ sinh nở.
Vì sao nó đeo bầu? Nó đeo bầu với ai? Có trời mới biết.
Nó là đứa mắc bệnh tâm thần từ nhỏ. Ngày nào cũng như ngày nào, mỗi ngày ba bốn bận ra đứng tồng ngồng tắm truồng trên sạp nước. Nó ngây ngây dại dại, nhưng không vì thế mà làm hỏng làn da trắng mịn, làm hư dáng vóc tròn trịa, cân đối. Mọi sự có lẽ từ đó mà ra. Lối xóm đồn đãi, tác giả sinh ra cái bụng bầu của con nhỏ là một trong đám bạn nhậu thường nhật của ổng. Rượu vào thì con quỷ dâm dục trỗi dậy, còn biết kiêng cử gì ai. Chỉ tội cho người dở hơi ngây dại không nhận được mặt người. Khi cô gái đến kỳ vượt cạn, bất thình lình vỡ nước ối ngay tại nhà, không kịp kêu xe đưa đến viện. Người mẹ phải nhờ tới hai ba người đàn ông lối xóm trợ giúp kìm giữ con gái đang trong cơn quẫy đạp, la thét hoảng loạn vì đau đớn. Cuối cùng rồi cũng mẹ tròn con vuông.
Cô gái bệnh tật ngu ngơ nhưng được cái nhiều sữa. Mỗi lần đau nhức do căng sữa, cô gái lại gào lên, người mẹ lại phải nhờ lối xóm tiếp sức dằn con xuống mà vắt từng giọt sữa. Cháu khóc, con khóc, và bà cũng khóc. Những giọt nước mắt gắn kết họ lại với nhau. Vậy mà lần hồi đứa bé cũng lớn lên, gương mặt đẹp như Phật.
Khi đứa bé lẩm chẩm biết đi thì mẹ nó bắt đầu trở sang bệnh hậu, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Chị bạn lớn tuổi của tôi buộc phải xin nghĩ việc. Vậy mà như dân gian từng nói, con không cha như nhà lụn cột, cô gái tâm thần càng ngày càng ốm yếu. Cô yếu tới mức người mẹ cũng héo hắt theo từng ngày từng tháng. Có người ngõ ý xin đứa bé về nuôi, nhưng cứ hễ ai đó đụng vào đứa bé, hay ẵm đứa bé lên, là y như rằng người mẹ tâm thần liền lao tới, túm lấy người ta cắn nghiến ngấu.
Khi tôi viết những dòng này thì người chị cùng cơ quan tôi đã dẫn con dẫn cháu về sống mụ mị dưới quê được mấy năm. Mong rằng gió đồng khoáng đạt sẽ đem tới phước lành cho họ!
Những éo le cuộc đời như vậy chính là sự hiện hữu của cuộc sống thường nhật đang chảy theo thời gian, mà nếu không nhìn nhận ra, chúng ta sẽ mắc tội thờ ơ với chính đồng loại của mình. Nhưng dẫu thế nào, tự thân cuộc sống rồi cũng cân bằng tất cả. Đó chính là sự xẻ chia mang tính quy luật của dòng chảy cuộc đời; hay nói như đạo Phật, là vòng quay của bánh xe luân hồi trong cuộc sống. Tất cả đều có giá của nó!

GIỌT MÁU ĐÀO HƠN AO NƯỚC LẢ
Có lần tôi xin phép cô Tuyết Mai cho xem sổ nhật ký của phòng trữ máu bệnh viện đa khoa Vĩnh Long. Mắt tôi hoa lên trước con số 205 người đến bán máu chỉ trong vòng một tháng. 124 nam, 81 nữ, hầu hết là dân nghèo làm thuê, vác mướn ở phướng 1, phường 3, phường 9. Theo quy định về an toàn sức khỏe cho người hiến máu, mỗi người mỗi năm không được bán máu quá năm lần; nhưng thật oái oăm, có người vẫn bán máu của mình mỗi tháng mỗi lần. Biết làm sao. Bệnh viện cần máu, còn người nghèo lúc nào cũng cần tiền. Mỗi dơn vị máu là 250 CC, giá thời điểm năm 96 chỉ 150.000đ00. Để lo cho con ăn học, có gia đình, cả vợ lẫn chồng tháng nào cũng đến năn nỉ được ghi tên xét nghiệm để bán máu. Không bán được máu, đối với họ, là tai họa nhãn tiền trước miếng cơm manh áo hàng ngày cho con cái. Trong danh sách những người thường xuyên phải bán máu, tôi thấy có rất nhiều người thuộc lứa tuổi từ 15 đến 19, là lứa tuổi đang rất cần được sự quan tâm chăm sóc của xã hội, bởi họ đang là tương lai của đất nước. Thêm một sự thật đau lòng nữa, lứa tuổi bán máu nhiều nhất là từ 20 đến 29. Đây là lực lượng lao động chính, đang thời sung sức, vậy tại sao lại trở thành đối tượng chủ yếu phải bán máu. Câu hỏi đặt ra cũng chính là bài toán mà chúng ta cần phải nhanh chóng tìm ra lời giải.
Là giáo viên dạy trường Sư phạm, tôi rất buồn khi thấy hàng ngày trẻ ở bậc tiểu học phải cõng ba lô với lủ khủ sách vở và vật dụng cho buổi học; nặng có dễ từ năm, bảy ký trở lên là chuyện thường. Là bởi chúng phải mua đủ thứ sách, đủ thứ đồ dùng học tập. Tất cả đều chất lên vai của cha mẹ. Tiền kiếm ra không đủ gánh cho con ăn học, nếu không muốn bán nhân phẩm của mình, hiến máu nhân đạo chính là giải pháp trong sạch nhất cho những gia đình trẻ không muốn bị liệt vào hộ nghèo. Lòng tự trọng phải đổi bằng từng giot máu đào là tất yếu.
Tất nhiên tình thế đến nay đã có sự xoay chuyển rất lớn, khi mà các cơ quan, các tổ chức xã hội đã vào cuộc, vận động mọi đối tượng tham gia hiến máu nhân đạo theo đúng ý nghĩa tích cực của nó. Máu người là quý, nhưng việc hiến máu nhân đạo còn quý hơn nhiều.
Tại Côn Đảo, có lần tôi nghe loa truyền thanh công cộng loan báo bệnh viện cần máu cứu người. Mười lăm phút sau tôi có mặt, nhìn thấy cả một dãy người đang chờ tình nguyện hiến máu nhân đạo. Ra vậy, dự trữ máu tốt nhất, chính là dự trữ ngay trong cộng đồng dân cư đang sống. Ở trường CĐSP của tôi, tôi đã chứng kiến sau Lễ vận động đăng ký tình nguyện hiến máu nhân đạo, hiệu trưởng là người đầu tiên ký tên, tiếp theo là hàng loạt cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên ký tên. Đó chính là ý nghĩa đích thực của giá trị sốngchân chính của con người.
Chúng ta sẽ suy nghĩ gì, khi Đài truyền hình Việt Nam phát trên kênh 1 hình ảnh những sinh viên Ấn Độ đang theo học quân sự tại Hà Nội, quân phục chỉnh tề, xếp hàng đến đăng ký hiến máu tại bệnh viện.

NỖI ĐAU SOS VẪN CHƯA DỪNG LẠI ĐƯỢC
Trường tôi nằm cặp theo đại lộ Nguyễn Huệ, một trong những con đường đẹp nhất thị xã, nhưng vẫn được người ta gọi là đại lộ “tử thần”, bởi dường như ngày nào, tuần nào cũng xãy ra tai nạn. Nhẹ thì va quẹt té xe. Nặng thì gãy tay, gãy chân. Nặng hơn nữa là chấn thương sọ não, là hồn lìa khỏi xác. Trước cổng trường tôi là đồn cảnh sát giao thông thị xã, nhưng cũng là một trong những cái “chốt” tai nạn kinh người. Tôi sẽ không kể ra hết những điều tận mắt nhìn thấy; và tôi cũng không muốn kể ra, bởi vì nó rùng rợn quá.
Lý do là bởi trường tôi và trường SPKT4 nằm gần vạch qua đường, mà khối lượng sinh viên lại qúa lớn. Mặc dù Sở Giao thông đã đặt biển báo, đã đóng đinh báo giảm tốc độ trên mặt lộ, mặc dù những ngày cao điểm có Lễ hội, cảnh sát giao thông có đứng ra điều phối xe cộ, nhưng tai nạn vẫn cứ xãy ra. Bởi lẽ trong xã hội công nghiệp, tất cả đều phải đi làm, đi học đúng giờ; lỡ trễ giờ thì phải tăng tốc. Nhưng cái chính vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Sinh viên dù có cẩn thận thế nào, cũng khó mà tránh được những “cái đầu” lúc nào cũng nhăm nhắm rồ ga phóng xe như mũi tên bật khỏi dây cung.
Bác sĩ Phan Cao Thắng nói với tôi: “Phương châm của Phòng Cấp cứu là khám khẩn trương, chẩn đoán khẩn trương, chuyển bệnh khẩn trương”. Tôi đọc lướt qua sổ nhật ký của Trung tâm Cấp cứu, và cảm thấy quả là không còn phương án nào tốt hơn. Bình quân mỗi năm Trung tâm cấp cứu phải giải quyết từ 50 đến 60 ngàn bệnh nhân, phần lớn là do tai nạn giao thông. Bệnh nhân đông tới mức, có nhiều ca cần ưu tiên vẫn phải chờ. Nói bệnh viện không quan tâm là không đúng, bởi vì y bác sĩ có hạn mà bệnh nhân lại quá đông.
Xin đưa ra một dẫn chứng.
Có lần tôi đang dạy học, thấy có em giáo sinh lớp MG đến xin gặp bạn P trong lớp tôi đang dạy. P ra hành lang gặp bạn xong trở vào, mắt mày tái mét. Tôi biết là có chuyện. Khi P trình bày xong, tôi đồng ý cho em về nhà phụ huynh em K ở lớp MG, báo cho cha mẹ K biết K, đang nằm cấp cứu ở bệnh viện đa khoa vì tai nạn giao thông. Sáng hôm sau không thấy P đi học, hỏi thì tôi biết, P đang nằm viện vì tai nạn giao thông cùng với một người bạn nữa. Lý do là trên đường từ nhà K trở về, P cùng người bạn trai khác lớp bị xe honda đâm tới với tốc độ lớn từ phía sau. Oái oăm hơn, ngay chính em giáo sinh lớp MG đến xin cho gặp P, khi trở lại bệnh viện đem đồ đạc cho bạn, lại cũng bị tai nạn ngay trước cổng trường. Như vậy, chỉ trong một ngày hôm ấy, tại trường tôi đã có tới bốm giáo sinh phải cấp cứu. Nếu nhân rộng ra cả tỉnh, và một số vùng lân cận của Tiền Giang và Đồng Tháp, lượng bệnh nhân cần cấp cứu sẽ là bao nhiêu.
Có lần tôi xin phép bác sĩ Minh(Nguyễn Văn) được vào Trung tâm Hồi sức. Mắt tôi hoa lên, như không thể tin được vào những gì mình đang thấy. Tất cả giường bệnh đều có người- có giường nằm tới hai người. Máy thở oxy không đủ, một số điều dưỡng viên phải điều động tới bóp bóng bằng tay. Tất cả đều trong tình trạng mê man bất tỉnh. Lạ một điều là hôm đó, hầu hết đều là các ca tự tử. Xin dẫn ra vài cái tên làm bằng chứng (xin phép không nói rõ địa chỉ): Trần Thị Bé Năm, 28 tuổi, tự tử bằng thuốc trừ sâu. Nguyễn Thị Thùy Trang, 24 tuổi, tự tử bằng acid sunfuric. Triệu Hoàng Hàng, 23 tuổi, tự tử bằng thuốc ngủ. Lê Thị Ngọc Uyên, 22 tuổi, tự tử bằng thuốc ngừa thái và dầu lửa. Đặng Thị Hằng, 21 tuổi, tự tử bằng thuốc bổ gân tê bại. Lê Ngọc Phượng, 21 tuổi, tự tử bằng Chlo phéninamin. Phạm Văn Nghiêm, 19 tuổi, tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Đặng Nhật Linh, 18 tuổi, tự tử bằng thuốc dưỡng lá. Lê Thị Thúy, 16 tuổi, tự tử bằng dầu lửa. Nguyễn Thị Huyền Trân, 13 tuổi, tự tử bằng thuốc chuột… Danh sách hồi sức hôm ấy còn dài, nhưng hầu hết đều là nữ. Họ tự tử bằng đủ cách, đủ thứ thuốc, từ thuốc độc tới thuốc bổ. Đặc biệt là có những em còn độ tuổi 18, 16, 13. Các em này tìm đến cái chết bằng chính những thứ rất dễ kiếm trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó cho thấy, với bất cứ thứ gì, người ta cũng có thể sử dụng để quyên sinh, khi mà người ta không ý thức được giá trị của sự sống quý biết bao đối với con người.
Báo động SOS quả là đã phải dóng lên những hồi chuông cảnh báo cấp I.
Sau này bác sĩ Minh cho tôi biết, 75% các ca hồi sức tôi chứng kiến đã được cứu sống. 75% là một con số đầy thuyết phục, bởi lẽ tổng số bệnh nhân chết tại Trung tâm hồi sức, dường như bao giờ cũng lớn hơn tổng số bệnh nhân chết tại bệnh viện. Sở dĩ có điều kỳ diệu này, chính là nhờ ở tâm đức của đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng viên. Bạn hãy hình dung, có những ca nặng, do thiếu máy thở oxy, nhân viên Trung tâm hồi sức phải dùng tay bóp bóng hàng mười mấy ngày trời. Đứng tưởng bóp quả bóng cao su là nhẹ, ta cứ thử bóp tay không liên tục vài giờ, sẽ hiếu giá trị y đức của người thầy thuốc.
Vấn đề đặt ra là tại sao tai nạn còn nhiều, mà chủ yếu lại rơi vào lứa tuổi còn rất trẻ. Với người cao tuổi thì dễ hiểu. Còn với thế hệ trẻ thì chính là lời cảnh báo toàn xã hội.
Sau giao thừa 2005 khoảng một tiếng đồng hồ, tôi chở con gái ra bến Cầu Tàu xin lộc đầu năm, bất chợt rùng mình bởi nhìn thấy hai chiếc honda cùng chiều đâm vào nhau với tốc độ chóng mặt. Bốn cô cậu choai choai văng bắn xuống lòng đường. Ba người đi cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, một chàng chết tại chỗ. Lại vẫn là tai nạn giao thông.
Tôi từng nghe ai đó phàn nàn, chúng ta thường tập trung tuyên truyền rất tốn kém cho phòng chống sida, nhưng rõ ràng chết vì tai nạn giao thông lớn hơn hàng trăm lần. Đành là vậy. Nhưng với giao thông, ngoài tuyên truyền giáo dục, có lẽ đã đến lúc, cần phải có biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn. Đơn giản là càng ngày lượng xe tham gia lưu thông càng lớn. Trong đó, đáng kể nhất là xe máy phân khối lớn, mà người điều khiển đa phần là thanh niên còn rất trẻ. Hầu hết số thanh niên này đều là con nhà khá giả, đang thời sung mãn, muốn chứng tỏ quyền năng tiền bạc của gia đình.
Nếu không có biện pháp cứng rắn ngăn chặn, chắc chắn báo động SOS vẫn còn tiếp diễn. Tiếp diễn nữa. Tiếp diễn mãi.

VÀ… CUỘC ĐỜI CỨ LĂN ĐI NHƯ VẬY
Xéo xéo sau nhà tôi, trong con hẻm 249 chật chội, cô học trò cũ của tôi vừa mua lại một căn nhà nhỏ. Chồng cô ta đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Hàng ngày, cô ta cũng hai buổi đến trường bán trú dạy học. Lương giáo viên không đủ gởi con vào trường mẫu giáo. Mà đủ sao được, khi thời buổi vẫn còn củi quế gạo châu, trẻ đến trường phải tốn tiền học phí, tiền ăn sáng, ăn trưa, tiền uống sữa từng nửa buổi trong ngày. May mà trong nhà còn có người bà và người cô lớn tuổi.
Bà ngọai nguyên là giáo viên tiểu học hưu trí, dẫu nghèo cũng còn cọt quẹt đồng lương bảo hiểm hàng tháng. Còn người cô ở dưới quê lên, của cải chỉ có hai bàn tay với mái đầu bạc trắng. Vậy mà họ sống hạnh phúc. Cô giáo mỗi ngày sau buổi dạy chiều trở về, bao giờ trên giỏ xe đạp cũng lủ khủ mớ rau, con cá, với vài thứ trái cây mua ở chợ. Anh con rễ lâu lâu lại thấy cụ bị chở về nhà những món đồ gì đó gọn lỏn trên cái gác ba ga xe cup 50. Còn hai bà già, sao mà họ giống nhau qúa thể. Sáng nào, chiều nào, cả hai cũng lụm cụm đẩy cái xe mủ bốn bánh, đưa đứa cháu bụ bẩm đi lòng vòng dọc theo con hẻm. Hai bà già miệng lúc nào cũng “nhong nhong nhong” như hát. Còn đứa bé, mặt lúc nào cũng tươi rói nụ cười trắng như bông bưởi.
Bánh xe cuộc đời cứ lăn đi như vây. Đã được hai ba năm rồi.

H.T.T.

Không có nhận xét nào: